Điều chỉnh tăng lương hưu từ năm 2016

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đưa ra hai phương án điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp cho những người có mức lương hưu thấp. Theo đó, từ ngày 1–1–2016, lương hưu có thể được tăng với từng nhóm đối tượng, hoặc tăng cho tất cả các nhóm đối tượng đang được hưởng lương hưu

Bộ Lao động điều chỉnh tăng lương hưu bắt đầu từ năm 2016

Hai phương án điều chỉnh tăng lương hưu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành có nội dung chi tiết như sau:

Phương án 1

Điều chỉnh tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng với những người nghỉ hưu trước tháng 4–1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh tăng lương hưu thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng.

Mức lương sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/người/tháng.

Phương án 2

Điều chỉnh tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu cả trước và sau tháng 4–1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/người/tháng.

Hai phương án tăng lương hưu mà Bộ Lao động đưa ra đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân, phương án điều chỉnh lương hưu số 1 dành cho những người nghỉ hưu trước tháng 4–1993 thể hiện sự quan tâm và đãi ngộ của nhà nước đối với nhóm đối tượng đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, đặc biệt trong hoàn cảnh khi nước ta còn gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi. Tổng chi phí điều chỉnh là 345,5 tỷ đồng mỗi năm, do ngân sách nhà nước chi trả và hoàn toàn phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Huân, phương án này dễ tạo ra sự so sánh với nhóm đối tượng nghỉ hưu sau tháng 4–1993 đang được hưởng mức lương hưu và trợ cấp thấp.

Phương án điều chỉnh lương hưu thứ 2 được đưa ra nhằm để khắc phục nhược điểm của phương án 1. Tuy nhiên, phương án này lại không đảm bảo sự công bằng của nguyên tắc đóng – hưởng cũng như làm mất đi sự tương quan về mức lương hưu.

Thứ nhất, việc điều chỉnh tăng mức lương hưu sẽ dẫn tới việc điều chỉnh mức lương hưu tối thiểu mới với đối tượng có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên. Lương hưu tối thiểu của người có từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên là 1,15 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương tăng điều chỉnh thấp nhất là 1,4 triệu đồng/tháng. Điều này hoàn toàn không phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội.

Hai là, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tạo cơ hội cho nhiều người có thể tham gia và hưởng lương hưu, với điều kiện chấp nhận mức đóng thấp, thời gian ngắn và hưởng lương hưu thấp. Bởi vậy, việc điều chỉnh lương hưu với những người có mức đóng góp thấp sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với những người đóng góp nhiều hơn.

Ba là, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngân sách nhà nước đảm bảo chi trả lương cho người nghỉ hưu trước ngày 1–1–1995, Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả lương cho người nghỉ hưu từ ngày 1–1–1995 trở về sau. Hơn nữa, điều kiện tăng điều chỉnh lương hưu phải phù hợp với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo ông Huân: “Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội không quy định khoản chi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều chỉnh lương hưu thấp. Nếu chọn điều chỉnh lương hưu thấp với cả đối tượng nghỉ hưu sau ngày 1–1–1995 trở đi, Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định”.

Mức lương hưu dự kiến sau khi được điều chỉnh

Bộ Lao động đã đưa ra mức điều chỉnh lương hưu khi mức lương cơ bản được tăng lên 1.250.000 đồng/tháng (tăng 8,7%) từ ngày 1–7–2016. Theo đó, việc điều chỉnh này sẽ được tiến hành theo 2 bước:

Bước 1

Bộ Lao động sẽ điều chỉnh tăng lương hưu của tất cả những người nghỉ hưu. Đối với người nghỉ trước tháng 1–2015 thì lương hưu tăng 8,7% so với mức lương tại thời điểm tháng 12–2014. Đối với người nghỉ từ tháng 1–2015 đến tháng 6–2016, lương hưu tăng 8,7% so với mức hưởng tại thời điểm tháng 6–2016.

Ở mức điều chỉnh này, tổng kinh phí điều chỉnh là 689 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước chịu hơn 127,2 tỷ đồng còn Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả 561,8 tỉ đồng.

Bước 2

Sau khi điều chỉnh tăng lương cho tất cả các đối tượng được hưởng lương hưu, Bộ Lao động sẽ tăng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động với những người có lương hưu thấp.

Theo bước tăng lương này, nếu chỉ điều chỉnh lương với người nghỉ hưu trước tháng 4–1993 (phương án 1), sẽ có 208.739 người đang hưởng lương hưu thấp được tăng lương, với kinh phí 169,29 tỷ đồng/năm do ngân sách nhà nước đảm bảo (tổng chi ngân sách chi cho cả 2 bước điều chỉnh là 296,53 tỷ đồng).

Nếu điều chỉnh lương hưu cho cả người nghỉ hưu trước và sau tháng 4–1993 (phương án 2), sẽ có 320.869 người lương hưu thấp được tăng lương, với tổng chi từ ngân sách là 304,51 tỷ đồng/năm, do ngân sách nhà nước đảm bảo (tổng ngân sách nhà nước chi cho 2 bước điều chỉnh là 426,67 tỷ đồng).

Đối với các giáo viên mầm non, từ ngày 1–1–2016, Bộ Lao động sẽ dùng ngân sách nhà nước để tăng trợ cấp cho 954 giáo viên mầm non có thời gian công tác trong ngành giáo dục trước năm 1995. Mức lương tăng điều chỉnh mới là 1.150.000 ngàn đồng/tháng so với mức bình quân là hơn 843.000 đồng/tháng hiện nay.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1–7−2016, khi lương cơ sở được điều chỉnh lên mức 1.250.000 đồng/tháng, các giáo viên mầm non sẽ tiếp tục được trợ cấp để lương hưu của họ bằng mức lương cơ sở mới.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua