Điện năng lượng mặt trời có khả thi trong thời đại này?

Chỉ tháng đầu tăng giá, hóa đơn tiền điện ở các gia đình tăng gần gấp đôi. Ai cũng giật mình nhưng điện vẫn phải dùng. Bao nhiêu hoạt động trong gia đình cần có điện, cơ bản nhất là thắp sáng, duy trì hoạt động của đồ gia dụng để bổ trợ cho cuộc sống...

Cũng vì độ nóng của đợt tăng giá điện, hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình, công ty, xí nghiệp đang nghĩ đến việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường; giảm lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia và kỳ vọng bán thành công điện không tiêu thụ hết cho nhà nước. Liệu phương án này có khả thi?

Điện mặt trời là gì?

Hiểu đơn giản, hệ thống điện mặt trời ứng dụng kỹ thuật biến đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng, nhờ các tấm pin mặt trời. Các tấm pin này được lắp đặt trên mái nhà; có nhiệm vụ thu năng lượng từ ánh nắng để chuyển hóa quang năng thành điện năng. Điện năng này tiếp tục được đưa lên điện lưới hoặc lưu trữ trực tiếp ở pin sạc.

Có nhiều hệ thống điện năng lượng mặt trời. Thứ nhất là hệ thống độc lập có ắc quy. Thứ hai là hệ thống nối lưới, không cần ắc quy. Thứ ba là hệ thống Hybrid vừa nối lưới vừa có ắc quy để phòng khi mất điện lưới.

Trong đó, điện mặt trời hòa lưới là hệ thống được lựa chọn phổ biến nhất. Hệ thống điện hòa lưới sử dụng điện thu được từ năng lượng mặt trời; sau đó kết nối vào lưới điện quốc gia. Những lúc gia đình bạn không sử dụng điện, điện mặt trời sẽ phát lên lưới và được đồng hồ đo đếm. Ngành điện căn cứ số điện này sẽ trả tiền lại cho bạn với đơn giá năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Trong trường hợp hết điện từ năng lượng mặt trời; hệ thống sẽ tự lấy điện lưới quốc gia để sử dụng.

Có khả thi không?

Theo đánh giá của các chuyên gia; việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở TP. HCM hoàn toàn khả thi; vì vì bức xạ mặt trời ở TP.HCM khá tốt, khoảng 5 kwh/ m2 trên ngày. Rất nhiều gia đình đã thử nghiệm hệ thống này. Ông Trần Khiêm Tuấn – Tổng công ty Điện lực TP. HCM; bật mí, trên địa bàn thành phố hiện nay đã có trên 1.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời. Sản lượng điện phát lên lưới khoảng 4,2 triệu kWh. Ngành điện đang trả tiền lại cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ninh Thuận, Bình Thuận… có lợi thế về bức xạ mặt trời. Nếu các gia đình ở đây đầu tư điện mặt trời sẽ phát huy tối đa công suất phát điện.

Tính khả thi còn được đánh giá dựa trên công nghệ sản xuất điện mặt trời. Các công nghệ này ngày càng hiện đại, có khả năng hiện thực hóa các tiềm năng kỹ thuật thành tiềm năng kinh tế, thương mại.

Bên cạnh đó, thị trường nhà cung cấp lắp đặt hệ thống điện mặt trời cũng rất đông đảo. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, trên thị trường hiện nay có hơn 50 đơn vị, công ty cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời. Sự đa dạng này giúp người dân có nhiều lựa chọn khi muốn triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời cho gia đình, công ty, cơ sở sản xuất của mình.

Lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời khá khả thi khi lắp đặt tại TP. HCM và vùng Nam Trung Bộ.

Ưu và nhược điểm

Hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp bạn tiết kiệm phần lớn chi phí tiền điện hàng tháng. Theo tính toán, dùng điện mặt trời người dân có thể giảm được 70–90% tiền điện.

Chia sẻ với báo chí, ông Thái Huy Đức; Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh – đơn vị thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời; cho ví dụ: Để đầu tư 1kWp cần diện tích khoảng 6–8m2. Nếu một hộ lắp đặt từ 3–5kWp, mỗi tháng sản xuất được 360– 600kWh điện. Trường hợp bạn phải trả tiền điện từ 800.000 đến 2,5 triệu đồng/tháng thì lượng điện mặt trời giúp giảm từ 70–90% tiền điện.

Nhiều người băn khoăn, khi lắp các tấm pin lên mái nhà sẽ khiến nhà phía dưới hầm nóng. Thực tế, các tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà không chỉ sản xuất điện cho bạn mà còn cách nhiệt, giúp nhà bạn luôn mát mẻ hơn.
Một đơn vị đã lắp điện mặt trời cho hay; nếu nhiệt độ bên ngoài 32°C thì bên trong nhà xưởng phải 35°C. Tuy nhiên, khi lắp điện mặt trời trên mái, nhiệt độ bên trong nhà chỉ còn khoảng 29°C. Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ giúp ngành điện giảm việc sản xuất điện. Nó được nhìn nhận như một giải pháp thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, nhược điểm khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời là chi phí. Chi phí đầu tư hiện nay vào khoảng 18–20 triệu đồng/kW. Diện tích và cấu trúc mái nhà cũng cần đảm bảo đủ vững chắc mới có thể gắn hệ thống này. Theo các chuyên gia, “hậu” điện mặt trời cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Việc xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ tốn kém và tạo ra gánh nặng với môi trường. Ngay cả các nước phát triển cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý loại rác công nghệ này sau khi chúng hết hạn.

Quá trình tạo ra các tấm pin này không chỉ tiêu hao rất nhiều năng lượng mà còn phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm. Điển hình như a-xít HF dùng làm sạch các tấm nền, xử lý bề mặt để tấm pin thu nhận ánh sáng tốt hơn.

Loại chất lỏng ăn mòn mạnh này có thể phá hủy các mô và làm giảm canxi trong xương của người tiếp xúc với nó mà không được bảo vệ. Bên cạnh đó là chất thải SiCl4. Khi chất này tiếp xúc với môi trường nước sẽ tạo ra a-xít HCl, tạo ra các khí rất độc hại, gây ô nhiễm và phá hủy môi trường.

Lưu ý khi lắp hệ thống điện mặt trời 

– Nhìn nhận ưu điểm và nhược điểm, bạn có quyền quyết định việc có nên đầu tư vào điện mặt trời hay không. Nếu muốn đầu tư điện mặt trời; bạn cần chuẩn bị mặt bằng vững chắc trên mái nhà và kinh phí khoảng 18–20 triệu cho 1kW.

– Bạn nên chọn sản phẩm do các công ty có uy tín cung cấp. Các sản phẩm phải có đầy đủ chứng chỉ, xác nhận về tiêu chuẩn chất lượng, thời gian bảo hành lâu dài…

– Nằm trên mái nhà, pin mặt trời sẽ hứng nhiều bụi. Bụi này làm giảm hiệu suất của tấm pin. Để pin mặt trời hoạt động tốt nhất, ít nhất mỗi 3 tháng bạn nên xịt rửa tấm pin một lần hoặc yêu cầu đơn vị lắp đặt thực hiện việc này.

– Chi tiết về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, bạn có thể liên lạc với số điện thoại 1900 1909 để biết thêm thông tin.

Bài: XOA NGUYỄN 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua