Cảnh giác: dịch sốt xuất huyết vào mùa cao điểm!

Khi dịch bệnh đang tăng nhanh gần đây, việc người dân trang bị kiến thức về sốt xuất huyết là cần thiết để giảm thiểu khả năng thành dịch và nguy cơ tử vong

Từ đầu tháng 7/2019 đến nay, số lượng ca nhiễm sốt xuất huyết liên tục được phát hiện tại nhiều tỉnh thành. Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ riêng tháng 7/2019; có đến 87.806 bệnh nhân bị nhiễm sốt xuất huyết được ghi nhận tại các cơ sở y tế. Trong đó có 6 ca tử vong. Con số này đã tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái (28.039 ca ở năm 2018).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vừa cập nhật báo cáo đầu tháng 7 cho biết; dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á; khi số ca bệnh tại các quốc gia lân cận Việt Nam vẫn còn xu hướng gia tăng.

Trong 5 năm qua, sốt xuất huyết trở thành bệnh khá phổ biến tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; do đặc thù nóng ẩm, mưa nhiều. Số lượng người mắc bệnh tăng qua từng năm; song còn nhiều người chủ quan hoặc chưa nắm rõ cách phòng tránh cũng như điều trị đúng đắn; dẫn đến bệnh trầm trọng hơn. Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm; mà vaccin phòng ngừa vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. Do đó, tính đến thời điểm này việc phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt trừ muỗi và tránh bị muỗi đốt. TTGĐ giới thiệu ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Nhật Uy.

sốt xuất huyết

Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Nhật Uy

Sốt xuất huyết khác gì với sốt siêu vi thông thường?

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn mang theo vi rút Dengue có trong cơ thể người bệnh lây sang người lành. Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân là sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ, liên tục. Trong khi đó, sốt siêu vi là sốt theo từng cơn, sốt nhẹ; có kèm theo ho, hắt hơi, sổ mũi.

Ngoài ra, người bị sốt xuất huyết còn có thể bị đau bụng; hoặc biểu hiện xuất huyết nhiều mức độ. Thường từ ngày thứ 3 của bệnh trở đi sẽ xuất hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng…

Diễn tiến bệnh ra sao?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia thời gian bệnh sốt xuất huyết thành 3 giai đoạn: sốt cao (1–3 ngày đầu); nguy hiểm (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6) và hồi phục (từ ngày thứ 7 trở đi). Trong đó, việc phát hiện bệnh ngay khi có dấu hiệu sốt sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi; giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở trẻ em.

Từ ngày thứ 3 trở đi, đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh sẽ có biểu hiện như nổi nốt xuất huyết rải rác trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay. Những vết này là các đốm đỏ hoặc một mảng bầm tím tùy theo mức độ. Kèm theo đó là cảm giác lạnh các đầu chi, vật vã, bứt rứt, đi tiêu ra máu.

Với những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng; tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa; hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

Trong tình huống xấu, giai đoạn này có thể dẫn đến trụy mạch và tử vong. Do đó, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều phải được điều trị kịp thời. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên. Riêng với trẻ em, khi thấy có dấu hiệu sốt cao đột ngột; các bậc phụ huynh cần đưa đến bác sĩ để chẩn đoán cho biết bé đang mắc phải loại sốt nào. Khi theo dõi sốt xuất huyết, người thân vừa theo dõi thân nhiệt của bé; vừa quan sát kỹ bé có hay quấy khóc, chảy máu nướu răng hay nôn ra máu hay không.

Sau khi được chăm sóc đúng cách, thân nhiệt của bệnh nhân sẽ bắt đầu ổn định sau vài ngày điều trị; có thể sinh hoạt lại bình thường. Người bệnh có lại cảm giác thèm ăn, huyết áp, nhịp và mạch trở về trạng thái bình thường.

Điều trị ra sao?

Ở những trường hợp phát hiện sớm, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán; và hướng điều trị thích hợp từ bác sĩ và có thể điều trị ngoại trú.

Khi dùng thuốc hạ sốt, người bệnh chỉ nên sử dụng paracetamol đơn chất 10–15 mg/kg cân nặng/lần; uống 4–6 lần/ngày, cách nhau mỗi 4–6 giờ. Tránh dùng aspirin hoặc các thuốc hạ sốt khác khi không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, bệnh nhân nên bồi dưỡng thêm nước trái cây (dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo pha loãng với muối. Đặc biệt, người nhà và cả bản thân người bệnh không nên điều trị theo liệu pháp dân gian; hay truyền miệng khi mắc bệnh sốt xuất huyết.
Với đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, gan, thận…, người sống một mình hoặc nhà ở xa cơ sở y tế nên xem xét nhập viện theo dõi điều trị.

Phòng bệnh như thế nào?

Hạn chế để đọng nước, nhất là ở khu vực bếp ăn, nhà vệ sinh. Loại bỏ các vật liệu phế thải; giữ cho vị trí đặt rác thải sinh hoạt luôn khô thoáng, sạch sẽ. Sau khi rửa chén, bát, người nhà nên úp ngược khi để ráo nước. Báo cho cơ sở y tế gần nhất để được phun thuốc diệt muỗi; ngay khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trong nhà.

Sử dụng nhang trừ muỗi JUMBO VAPE. Khi đốt lên, rất ít khói mà hiệu quả lại mạnh hơn gấp 2 lần so với nhang trước đây; giúp hạ gục muỗi ngay, bảo vệ gia đình khỏi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết, phụ huynh nên nhận tư vấn của bác sĩ; khám từ xa hoặc đặt bác sĩ đến nhà khám bệnh thông qua ứng dụng Jio Health.

Bài: Đình An
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua