Đi thăm người bệnh cần chú ý điều gì?

Một chuyến viếng thăm người bệnh bao lâu là đủ? Bạn có nên dành bất ngờ cho người bệnh khi đột nhiên ghé qua? Dưới đây là những cách giúp cho chuyến viếng thăm của bạn trở nên ý nghĩa

Đi thăm người bệnh không chỉ là phép xã giao mà còn có lợi cho sức khoẻ và tinh thần người bệnh. Một nghiên cứu của Đại học Durham, Anh Quốc, cho thấy khi một người bị bệnh, đặc biệt khi họ nằm viện trên hai ngày, người thân, bạn bè vào thăm sẽ giúp hồi phục tinh thần, gia tăng hứng khởi. Điều này rất có lợi cho quá trình hồi phục.

TRƯỚC KHI VIẾNG THĂM NGƯỜI BỆNH

20151125 di tham nguoi benh can luu y dieu gi hinh anh 01Gọi điện thoại xác nhận: Cuộc viếng thăm không báo trước là thiếu lịch sự và đôi khi gây phiền phức cho người bệnh. Tốt hơn, bạn nên gọi điện cho bệnh nhân hoặc người thân của họ để xác nhận thời gian mình nên đến.

Xem giờ giấc của bệnh viện: Bạn cũng đừng quên hỏi về quy định giờ thăm bệnh của bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện đều có quy định thời gian thăm bệnh và bạn cần tuân thủ quy định này để tránh mất thời gian đến nơi nhưng không vào được.

Quà tặng: Bạn muốn mang một món quà để khích lệ tinh thần và thể hiện chân tình?

♦  Một bó hoa.

♦ Một cuốn sách, tờ báo.

♦ Các món ăn, thức uống đã được chuẩn bị sẵn. Trường hợp này, bạn chỉ mang khi bệnh nhân được phép ăn uống, không kiêng cữ.

♦ Trái cây: Chọn loại trái cây thích hợp với người bệnh.

Bản thân: Bệnh viện là nơi có thể gây lây nhiễm bệnh nên bạn phải chắc chắn mình thật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng là nơi có nhiều người đau yếu nên bạn cần thận trọng, tránh vi khuẩn từ tay, chân, quần áo… của mình lây cho người khác. Nên tắm rửa, thay quần áo trước khi đi thăm.

TRONG CUỘC VIẾNG THĂM NGƯỜI BỆNH

20151125 di tham nguoi benh can luu y dieu gi hinh anh 05• Rửa tay sạch: Khi đến bệnh viện, bạn nên dùng nước rửa tay chuyên dụng rửa sạch trước khi vào phòng bệnh nhân. Thông thường, hầu hết các bệnh viện đều có đặt sản phẩm rửa tay ngay hành lang. Đây là việc quan trọng bạn cần làm vì khi vào thăm, bạn có thể bắt tay, ôm hay sờ vào các vật dụng của người bệnh.

• Gõ cửa: Dù cửa đóng chặt, khép hờ hay mở toang, bạn vẫn nên gõ cửa trước khi vào. Đây là cách để bạn thông báo mình đã đến. Nếu thấy bệnh nhân đang ngủ, bạn đừng đánh thức họ.

Thời gian cho chuyến viếng thăm: Bạn nên ở lại từ 15–20 phút và không quá 30 phút dù bệnh nhân có mời nán lại.

• Khi có y tá hay bác sỹ đến: Bạn nên xin phép ra ngoài phòng chờ. Bạn cũng có thể xin phép ra về nếu thời gian thăm đã đủ.

Vui vẻ: Không ai thấy thoải mái khi bạn chỉ ngồi im lặng. Hãy nói những câu chuyện hài hước, tạo không khí vui vẻ. Tuy nhiên, đừng quá đà và nhớ nói vừa đủ nghe.

• Tôn trọng sự riêng tư: Nếu phòng bệnh có nhiều người, hãy tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân khác. Bạn lưu ý tắt chuông điện thoại để không làm phiền họ. Khi đi thăm, không nên dùng nước hoa vì có thể gây dị ứng cho người bệnh. Bạn cũng nên hỏi xem người bệnh có cần giúp đỡ gì không. Nếu có, hãy nhiệt tình giúp họ.

MÁCH BẠN

Nếu người bệnh có thể truy cập vào e−mail, Facebook, hãy viết những thông điệp mang tính khích lệ tinh thần họ nhé. Đừng ngần ngại thể hiện tình cảm và những lời nói yêu thương dành cho họ.

Bài: UYÊN HỒ

Mục Kỹ năng / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua