Xã hội hiện đại, việc sở hữu bằng cấp cao thường mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Vì vậy, không hiếm cảnh người ở tuổi trưởng thành, đã lập gia đình vẫn còn cắp cặp đến trường, thậm chí du học nước ngoài. Sự nghiệp học hành của những người đi học khi đã có gia đình cũng lắm chông gai.
ĐI HỌC KHI ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH
Chị H. Y (Hà Nội) đã kết hôn gần 10 năm, có hai con, bé lớn 8 tuổi, bé nhỏ mới chưa đầy ba tuổi. Năm ngoái, công ty của chị có suất du học thạc sỹ ở Anh trong một năm, chị đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Dù đắn đo thương con còn nhỏ dại nhưng chị rất muốn nắm lấy cơ hội này. Mất hai tháng thuyết phục chồng với bao nhiêu nước mắt, chị cũng được cả công ty, gia đình chồng và chồng duyệt cho đi học. Hai con có cả bà nội lẫn bà ngoại ở gần bên chăm sóc nên chị cũng rất yên tâm. Đặt chân lên xứ sở sương mù đúng mùa thu, cảnh vật, nhà cửa, trường học, môi trường khiến chị mê mẩn.
Thế nhưng, được chừng hai tuần, nỗi nhớ con cồn cào, gọi điện thoại nghe tiếng con khóc, than thở nhớ mẹ khiến ruột gan chị rối bời. Mỗi khi con ốm, lo lắng quá mà không thể làm gì, chị khóc rưng rức như đứa trẻ. Chồng chị trước nay chẳng phải đụng tay chuyện trong nhà, bây giờ dù có hai bà nội, ngoại phụ giúp nhưng cũng phải cáng đáng chuyện con cái nhiều hơn nên sinh ra khó chịu với chị. Mẹ chồng chị thì không ngớt lời “mát mẻ” về sự ham học của con dâu. Áp lực bài vở, cuộc sống xứ người cùng nỗi lo gia đình khiến chị mất ngủ triền miên, gương mặt hiếm khi có một nụ cười.
Anh Đ. K (TP. HCM) thì lại ở tình cảnh khác với chị H. Y. Năm nay, anh mới 35 tuổi, đã kết hôn, có hai con nhỏ, đang giữ chức trưởng phòng ở một cơ quan nhà nước nhưng có khả năng được “cơ cấu” vào các chức vụ cao hơn trong vài năm tới. Chính vì vậy, hễ có các khóa học nâng cao anh đều được lãnh đạo ưu ái cử đi học. Có khóa ba tháng, có khóa kéo dài tới cả năm. Có khóa học trong nước, có khóa sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản.
Anh cứ miệt mài với những chuyến đi học, để tất việc lớn nhỏ trong gia đình lên vai vợ của anh, một cô giáo cấp ba. Dù rất thông cảm, ủng hộ sự nghiệp của chồng nhưng việc trường lớp, việc gia đình đã vắt kiệt sức của chị. Chị không thể nhớ bao lâu rồi chị không có cơ hội để đi chơi với bạn bè, thảnh thơi mua sắm, làm đẹp cho mình. Đôi khi chị cảm thấy rất tủi thân. Gia đình chồng cũng xem việc chị phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà là điều hiển nhiên, không có gì đáng than thở. Anh thì coi việc học hành của mình là phục vụ sự nghiệp và cũng là vì tương lai của cả gia đình nên chẳng chút áy náy với vợ. Chưa kể, anh còn trách ngược lại chị là không biết cảm thông cho anh vì anh vừa phải học, vừa phải làm.
ĐI HỌC Ở TUỔI LÀM BỐ MẸ LÀ MỘT THỬ THÁCH
Với những người đi học khi đã có gia đình, việc tiếp tục việc học hành bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn hơn những người trẻ tuổi, độc thân. Sự cân bằng giữa công việc, học hành và gia đình là một thách thức lớn. Khó khăn đầu tiên đến từ chính đặc điểm sinh học và tâm lý lứa tuổi. Trí nhớ, khả năng tập trung, sức khỏe của con người ở tuổi càng cao thì càng giảm sút (với phụ nữ đã sinh con thì điều này càng nghiêm trọng hơn). Ở độ tuổi này, họ cũng có nhiều mối quan tâm ngoài việc học hơn so với tuổi thanh niên như: vợ (chồng), con cái, gia đình nội ngoại, công việc ở cơ quan, các mối quan hệ xã hội… Điều này khiến họ càng khó tập trung vào việc học và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian học.
Khó khăn tiếp theo của những người trưởng thành khi đi học là thời gian. Một ngày vẫn chỉ có 24 giờ, trong khi họ phải cáng đáng thêm chuyện học. Như chị H. Y thoát ly khỏi công việc, gia đình thì dư dả thời gian cho việc học nhưng lại phải đối diện với các vấn đề cuộc sống nơi xứ người.Đặc biệt, học bằng ngôn ngữ khác cũng gặp không ít trở ngại nên chị vẫn thiếu ngủ triền miên do phải hoàn thành các bài luận.
Còn anh Đ. K dù đi học vẫn điều hành cơ quan từ xa. Ban ngày lên lớp, tối về phải giải quyết công việc, anh cũng chỉ ước mình có thêm thời gian để ngủ, để chơi với con. S
Sự hạn hẹp thời gian cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như không đủ thì giờ quan tâm, chia sẻ, duy trì các mối quan hệ xã hội ngoài công việc… Tất cả những áp lực đó đôi lúc khiến họ trở nên cáu bẳn với người bạn đời. Khó khăn không nhỏ khác là sự thiếu thông cảm, ủng hộ của người thân. Trường hợp này phụ nữ thường gặp phải do quan niệm phụ nữ sau khi kết hôn phải toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Việc thiếu cảm thông, động viên, chia sẻ của người thân khiến những người vừa học, vừa làm, vừa lo cho gia đình rất dễ tổn thương, mệt mỏi, buồn phiền và căng thẳng quá mức.
Huyền An
Mục Gia Đình − Tiếp Thị Gia Đình