Chính sách thuế mới sẽ giúp cứu nhiều người bệnh và tiết kiệm chi phí y tế
Theo bà Petra Wilson, người đứng đầu Liên đoàn Bệnh tiểu đường quốc tế (IDF), bệnh tiểu đường không chỉ đe dọa tới người bệnh mà còn có thể ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. IDF hy vọng căn bệnh này sẽ được đưa vào trong chương trình nghị sự cuối tuần này của G20 dự kiến nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Với tỷ lệ cứ 6 giây lại có một người tử vong vì bệnh tiểu đường, căn bệnh này hiện đã trở nên nguy hiểm hơn cả HIV, bệnh lao và bệnh sốt rét cộng lại. Bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm 90% số ca tiểu đường và được các nhà khoa học tin rằng có liên hệ chặt chẽ với bệnh béo phì và lối sống ít vận động.
Theo ước tính, phần lớn các nước tiêu tốn khoảng 5−20% ngân sách y tế cho bệnh tiểu đường. Giới chuyên gia dự báo đến năm 2040, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu có thể chiếm tới 10% dân số với tổng số ca mắc bệnh tăng lên 642 triệu so với 415 triệu trong năm 2015. Chi tiêu chính phủ dành cho căn bệnh này cũng sẽ leo thang từ 673 tỷ USD lên 802 tỷ USD.
Một số quốc gia, bao gồm Mexico, Chile và Pháp, đã thử nghiệm với một số hình thức thuế đường song đã sớm “đụng” phải những rào cản chính trị cũng như phản đối từ ngành công nghiệp thực phẩm.
Bà Wilson thừa nhận chiến dịch đối phó bệnh tiểu đường này sẽ gặp không ít khó khăn, song nhấn mạnh chính giới cần ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhìn sang bài học từ những thành công trong chiến dịch chống thuốc lá. Theo bà, con người không thể loại bỏ đường khỏi cuộc sống nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một chế độ tiêu thụ đường vừa phải.
Theo TTXVN