Đó là loài dế Weta khổng lồ, một loài sinh vật đặc hữu của New Zealand. Loài dế này từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng trên đất liền New Zealand vào những năm 1960 do chuột rất yêu thích món ăn này. Các nhà bảo tồn học đã nuôi chúng để gia tăng số lượng, nhiều chú dế được sinh ra tại vườn thú Auckland vào năm 2013. Đến tháng 5–2014, người ta đưa 150 con dế Weta khổng lồ về thiên nhiên hoang dã trên đảo Tiritiri Matangi. Loài dế này còn nhiều điều thú vị nữa đấy!
1. ĐÂY LÀ LOÀI CÔN TRÙNG NẶNG NHẤT THẾ GIỚI với trọng lượng có thể đạt đến 71g, nặng gấp 3 lần so với chuột nhắt mới sinh (khoảng 20g), dài khoảng 10cm không kể chân và râu.
2. TÊN CỦA NÓ CÓ NGHĨA LÀ CHÚA TỂ CỦA NHỮNG ĐIỀU XẤU XÍ. Tên Weta bắt nguồn từ wetapunga của người Maori ở New Zealand. Chúng thuộc chi deinacrida, nghĩa là “châu chấu khủng khiếp”.
3. HỌ WETA CÓ ĐẾN HÀNG CHỤC ANH EM Ở NEW ZEALAND. Tại New Zealand, người ta tìm thấy có hơn 70 loài bao gồm họ ăn thịt, ăn cỏ cây… Đặc biệt, Alpine Weta là loài có thể đông cứng trong suốt mùa đông và tan ra khi mùa xuân đến. Điều này giúp chúng tồn tại qua những ngày đông giá rét.
4. DẾ WETA RẤT THÍCH ĂN CÀ RỐT. Năm 2011, nhà nghiên cứu Mark Moffet đã dành hai ngày theo dõi loài côn trùng khổng lồ này trên đảo Little Barrier, New Zealand, và phát hiện một điều thú vị rằng chúng thích ăn cà-rốt.
5. CHÚNG KHÔNG THỂ BAY. Mặc dù thuộc họ nhà dế nhưng sự thật là chúng không thể bay do quá nặng. Một số loài Weta nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn có thể nhảy, nhưng riêng giống Weta khổng lồ thì không thể làm điều đó.
6. CHÚNG THỞ THÔNG QUA BỘ XƯƠNG NGOÀI. Giống như các loài côn trùng khác, dế khổng lồ Weta không có phổi. Vỏ ngoài của dế Weta có những lỗ thông với ống bơm ô-xy cho mỗi tế bào trong cơ thể.
7. WETA CÓ TAI TRÊN CHÂN TRƯỚC ở ngay dưới khớp gối. Các lỗ ở vị trí này giúp chúng có thể nghe.
8. CHÚNG XUẤT HIỆN TRƯỚC CẢ LOÀI KHỦNG LONG. Hóa thạch được tìm thấy từ kỷ Trias 190 triệu năm trước cho thấy có nhiều điểm tương đồng với các loài dế Weta hiện nay ở New Zealand.
Mục Mẹ và con – Khoa học vui/Tiếp Thị Gia Đình