Theo tiến sĩ Jane Greer, tác giả cuốn sách What About Me: Stop Selfishness From Ruining Your Relationship thì sự cô đơn xuất phát từ những bất hoà. Hoặc do bạn đã kì vọng quá nhiều trong mối quan hệ.
Dù nguyên nhân là gì, cô đơn ngay cả khi đang yêu là điều thường thấy. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW chỉ ra gần 30% những người không hài lòng với cuộc sống gia đình cảm thấy cô đơn suốt thời gian chung sống. Trong khi con số hài lòng chỉ dừng lại ở mức 7%.
Cứ 2 trong 5 người Mỹ thừa nhận các mối quan hệ của họ (bao gồm cả tình yêu) không mang ý nghĩa gì. Theo cuộc khảo sát năm 2018 do công ty Bảo hiểm sức khoẻ Cigna thực hiện. Lệnh giãn cách xã hội giữa đại dịch COVID-19 cũng khiến cảm giác cô đơn trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên cảm giác cô đơn khác với việc muốn được ở một mình. Bạn ở một mình khi muốn dành thời gian chăm sóc cho bản thân. Còn cô đơn là khi bạn đang ở bên cạnh người khác nhưng lại thấy mất kết nối và bị cô lập.
Thế nào là cảm giác cô đơn trong mối quan hệ?
Luôn có những dấu hiệu giúp bạn nhận ra mình đang cô đơn trong một mối quan hệ. Đầu tiên là cảm giác tồi tệ chứ không phải tích cực khi ở bên người ấy. “Bạn cảm thấy đơn độc. Không được giúp đỡ, không thấy an toàn và dễ bị tổn thương.”
Cụ thể hơn, hãy chú ý đến những biểu hiện sau:
Không còn nhu cầu chia sẻ về cuộc sống thường ngày
Trong mối quan hệ lành mạnh, bạn luôn muốn chia sẻ tất tần tật mọi thứ với nửa kia. Dù đó là câu chuyện thú vị hay ngớ ngẩn. Tuy nhiên, thói quen sẽ chấm dứt khi người ấy dường như không muốn lắng nghe bạn. Lúc này bạn nảy sinh cảm giác cô đơn vô cùng nhưng chẳng còn nhu cầu giãi bày.
Không còn mặn nồng chuyện chăn gối
Sheenah Hankin – nhà trị liệu tâm lý làm việc tại New York cho biết chuyện ấy đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và duy trì kết nối giữa hai người.
Không còn dành thời gian cho nửa kia
“Nếu ở cạnh một người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Vậy thì thà ở một mình còn hơn.” Có phải suy nghĩ ấy giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn? Chính vì thế bạn chẳng còn cố gắng dành thời gian ở bên người ấy nữa.
Để thôi cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ
Theo WebMD, những gợi ý sau đây có lẽ sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn.
Trò chuyện chân thành với nửa kia
Hãy cho họ biết cảm giác thật sự trong lòng bạn. Một cuộc trò chuyện tích cực có thể giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Cho họ biết bạn muốn cả hai dành nhiều thời gian chất lượng bên nhau hơn.
Tiếp xúc thân mật
Đôi khi những cái ôm, hay đơn giản là nắm tay còn ý nghĩa hơn vạn lời nói. Khi được âu yếm, bạn sẽ giải phóng oxytocin – hormone giúp thúc đẩy cảm giác gắn kết.
Thiền tịnh
Thiền giúp bạn thư giãn và kết nối lại với bản thân. Bạn sẽ không còn cảm thấy cô đơn khi đã hiểu và yêu thương chính mình. Hãy bắt đầu tập trung vào hơi thở để tiến hành thiền tịnh.
Thể hiện sự biết ơn
Mỗi ngày, hãy dành ra 10 phút để khen ngợi và bày tỏ sự biết ơn với nửa kia. Cảm ơn vì những hành động nhỏ nhặt mà cả hai đã làm cho nhau. Điều này giúp bạn dần xây dựng lại cảm xúc với người ấy. Cuối cùng, hãy nói về điều khiến bạn chưa hài lòng và tìm cách thay đổi chúng.
Xem xét lại các kì vọng
Nhiều người trong số chúng ta thất vọng chỉ vì đã đặt ra kì vọng quá cao. Ta luôn mong đối phương phải thế này thế kia mà không nhìn nhận thực tế. Thay vì tìm kiếm tình yêu thương và cảm giác thoả mãn từ bên ngoài. Hãy học cách làm hài lòng bản thân trước đã.
Gặp chuyên gia tư vấn
Hãy thử đến gặp bác sĩ trị liệu tâm lý nếu những cách trên không hiệu quả. Đôi khi các cặp đôi cần một cái nhìn khách quan từ người ngoài để tìm ra lý do tại sao một hoặc cả hai luôn cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ.
Tiếp Thị Gia Đình