Một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của loài người là nuôi dạy con cái. Và dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành người tốt. Song thay vì chỉ tập trung “nhào nặn” đức tính cho bọn trẻ, hãy bắt đầu từ việc tự hoàn thiện bản thân.
Các bậc phụ huynh có thể học cách để trở nên tuyệt vời hơn trong mắt con mình. Một khi bọn trẻ đã xem cha mẹ chúng như tấm gương để noi theo, việc uốn nắn tính cách cho con bỗng “nhẹ tựa lông hồng”.
Học cách lắng nghe
Đáng buồn là phần lớn các ông bố bà mẹ hiện nay không dành nhiều thời gian để lắng nghe con. Thay vào đó, họ vùi đầu vào chiếc điện thoại.
Trong cuốn sách The Road Less Traveled, tác giả M.Scott Peck kết luận: “Bạn không thực sự lắng nghe khi đang chăm chú làm một việc khác. Lắng nghe là hướng toàn bộ sự tập trung vào đối phương. Bằng cả thính giác, thị giác lẫn con tim. Đó cũng chính là biểu hiện của yêu thương.”
Trẻ em rất thú vị và hài hước. Chúng thường coi cha mẹ mình như “siêu nhân”. Lắng nghe giúp bạn hiểu hơn cách con nhìn ngắm thế giới. Đồng thời, những đứa trẻ cũng cảm thấy bản thân có giá trị. Dần dần, chúng sẽ tự tin hơn trong việc thể hiện tiếng nói của mình.
Trao cho con tình yêu thương vô điều kiện
Tình yêu vô điều kiện không đồng nghĩa với sự nuông chiều. Trẻ con có thể cảm nhận được tình yêu thương mà bạn dành cho chúng.
Tình yêu vô điều kiện bao gồm tôn trọng và chấp nhận lựa chọn của con. Không có thái độ nuông chiều, cũng không xem con cái là công cụ hiện thực hoá ước mơ của cha mẹ.
Làm gương cho con
Trẻ quan sát và lắng nghe bạn nhiều hơn bạn tưởng đấy! Nếu muốn uốn nắn con, hãy làm gương cho chúng. Ví dụ khi muốn con ăn nhiều rau xanh, chính bạn cũng nên ăn thật nhiều rau trước mặt chúng. Muốn con lớn lên là người đáng tin cậy, thì bản thân bạn nên biết giữ lời hứa.
Nếu bạn dạy con cách giao tiếp, nhớ nói chuyện với con thật tử tế. Bất cứ thứ gì bạn muốn con mình học, bản thân bạn hãy làm gương trước đã.
Dành nhiều thời gian ở bên con
Cuộc sống bộn bề khiến cha mẹ không còn đủ thời gian ở bên con cái. Thừa nhận đi, đã bao lần bạn “đối phó” với con bằng cách cho chúng nằm dài chơi điện thoại hoặc xem TV?
Mỗi ngày, hãy dành chút thời gian cho con. Trò chuyện xem hôm nay con gặp chuyện gì vui hay buồn. Cho phép con được phụ giúp bạn làm việc nhà. Những công việc nhẹ nhàng như tưới cây, gấp quần áo hoặc đơn giản là thu dọn đồ chơi… sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa bạn và con.
Đừng tiết kiệm những lời khen
Không gì dễ bằng việc lấy lòng một đứa trẻ: Một là cho kẹo, hai là ngợi khen.
Hãy dành lời khen ngợi khi con hoàn thành nhiệm vụ mà bạn giao. Hoặc đơn giản là động viên khi con biết lên giường đi ngủ đúng giờ. Từ 0 đến 5 tuổi, những lời khen rất cần thiết để kích thích sự tự tin của trẻ. Lời khen cũng cho trẻ em biết rằng hành động nào được đánh giá cao và cần phát huy hơn nữa.
Nói xin lỗi khi cần
Tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm. Tuy nhiên có một số bậc phụ huynh chẳng bao giờ chịu nhận lỗi dù đã làm sai. Họ cho rằng xin lỗi là biểu hiện của sự yếu đuối. Điều này khiến họ trở thành tấm gương phản chiếu xấu xí cho con cái.
Hãy nói lời xin lỗi khi cần và dạy con hiểu rằng không ai là hoàn hảo. Sau này trên đường đời con có thể mắc lỗi. Song quan trọng là dũng cảm thừa nhận và tìm ra cách khắc phục sai lầm.
Mỗi cha mẹ có một phương pháp dạy con của riêng mình. Nhưng tựu chung lại vẫn muốn con lớn lên trở thành người tốt và có ích cho xã hội. Hy vọng những phương pháp nêu trên sẽ giúp phụ huynh giảm bớt phần nào trọng trách nuôi dạy con cái.
Tiếp Thị Gia Đình