Các nhà khoa học cho rằng, 12 tháng tuổi; trẻ em nên nói được những từ đơn lẻ. Trẻ có thể phát âm từ “mẹ” và “bố”. Trẻ cũng cần hiểu và tuân thủ các yêu cầu đơn giản do người lớn đưa ra. Trẻ chưa đạt được những yêu cầu đó là trẻ chậm nói.
Trẻ chậm nói thường ở gia đình có tiền sử chậm biết nói, trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. Bên cạnh đó, bé trai có xu hướng phát triển kỹ năng ngôn ngữ muộn hơn một chút so với bé gái.
Song, các nhà khoa học vẫn có những mốc thời gian để giúp bạn nhận biết trẻ chậm nói. Cụ thể, trẻ được dán nhãn “chậm nói” khi con nói được dưới 10 từ lúc 18 đến 20 tháng hoặc ít hơn 50 từ khi đã được 21–30 tháng tuổi.
Trong trường hợp trẻ chậm nói, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ. Nếu bác sĩ chẩn đoán, việc chậm nói không liên quan đến các vấn đề như khiếm thính; chậm phát triển, rối loạn tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý; hội chứng Down… thì vấn đề có thể chỉ nằm ở việc tương tác giữa bạn và con. Khi đó, chỉ cần nỗ lực giao tiếp với con, khuyến khích con nói, bạn sẽ thu về quả ngọt.
Bạn tự nói việc mình làm sẽ giúp trẻ chậm nói dễ học nói
Ở bên cạnh trẻ chậm nói, bạn hãy nói về những gì bạn đang làm. Mô tả hành động bạn đang làm, điều bạn đang cảm thấy; những gì bạn nhìn thấy, sờ, ngửi thấy, nếm được… Cứ nói với con tất cả những điều này, con bạn sẽ học hỏi khi nghe bạn nói. Khi thực hiện phương pháp này, có hai điều cần chú ý:
Thứ nhất: Giữ cho lời nói thật ngắn gọn. Ví dụ, bạn đừng dài dòng: “Đây là quả bóng nè con. Chúng ta chơi ném bóng nhé. Đấy là trái bóng đó con”. Thay vào đó, bạn chỉ nói: “Bóng. Ném đi. Trái bóng”.
Thứ hai: Lặp đi lặp lại. Bạn đừng ngại lặp lại những từ đó thật nhiều lần vì trẻ học tốt nhất thông qua sự lặp đi lặp lại.
Thứ ba: Bạn tự nói việc bé làm
Rất giống với chiến lược “Tự nói” ở trên nhưng thay vì nói về những gì bạn đang làm; bạn nói về những gì con đang làm. Ví dụ, khi bé đang ăn, bạn có thể nói: “Con ăn. Cháo. Thịt. Rau. Ngon. Mùi thơm. Bụng no”. Đi công viên, chỉ vào con chim, bạn có thể nói: “Chim. Hót. Hay. Vui”.
Để đạt được hiệu quả, bạn vẫn cần thực hiện theo hai nguyên tắc: Ngắn gọn và lặp đi lặp lại.
Nói kết hợp cử chỉ, điệu bộ
Với cách này, bạn tiếp tục sử dụng phương pháp tự nói chuyện ở trên nhưng sẽ ghép nối từ được nói với biểu cảm và cử chỉ. Ví dụ bạn nói từ “ăn”; hãy ra tín hiệu đang ăn cho trẻ nhìn thấy; ví như nhai, đút thìa vào miệng và cảm xúc tỏ ra đang ăn rất ngon.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy; ngôn ngữ ký hiệu là công cụ tuyệt vời giúp trẻ em nói chuyện nhiều hơn, đặc biệt là những bé chậm biết nói. Bạn có thể tìm thấy cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thông qua các cuốn sách, DVD và rất nhiều trang web trên mạng.
Ca sĩ bất đắc dĩ
Trẻ chậm nói không phải là người bình chọn ca sĩ của năm nên bạn cứ hát đi nhé. Hát những bài hát thiếu nhi và kèm với biểu cảm thú vị. Để dễ hình dung, bạn có thể xem video của bài hát Head, Shoulder, Knees and Toes trên trang youtube.com.
Ở video này, trẻ chậm nói vừa hát vừa chỉ tay vào từng bộ phận; tạo ra các âm thanh sống động để thu hút sự chú ý và củng cố trí nhớ của bé. Bạn có thể học theo điều này. Nhiều trẻ không chịu nói nhưng sẽ hiểu khi bạn chỉ vào mũi, miệng, vai hay bàn tay, bàn chân của bé.
Chiến lược mở rộng
Dựa trên lời nói hoặc cử chỉ của con, bạn sẽ mở rộng thêm một từ nào đó. Chẳng hạn, con nói “bóng”, bạn có thể nói “trái bóng”; “bóng của con”, “bóng màu vàng”; “ném bóng”, “bóng tròn”, “bóng lăn”; “đá bóng”… hoặc bất cứ cụm từ nào có chứa từ bóng.
Nếu con chưa nói được, bạn có thể xây dựng từ dựa trên cử chỉ của bé. Khi bé chỉ vào thứ gì đó, hoặc “ư ư” đòi; nghĩa là bé đang thích thứ đó, đang giao tiếp với bạn. Đấy là cơ hội để bạn nhận biết và giúp bé diễn tả mong muốn bằng lời nói.
Xây dựng kho từ vựng
Cách tốt nhất để bạn dạy trẻ chậm nói là tận dụng những hình ảnh hàng ngày trong gia đình và cùng trẻ đọc sách.
Ví dụ, thấy ông xã về, bạn nói với con “Ba về”? “Ba đang đứng ở đâu nhỉ?”, “A, ba ở ngoài sân”… và chỉ tay để hướng ánh mắt trẻ nhìn ra ngoài sân. Tương tự, khi đọc sách cho con, bạn có thể hỏi con: “Con thỏ đâu?”, “Chỉ cho mẹ con mèo đâu”…
Hãy cho con chút thời gian để tìm kiếm. Nếu trẻ không tìm thấy, bạn sẽ chỉ giúp con. Trong lần đọc sau, bạn hỏi lại, con sẽ không cần bạn phải chỉ lại nữa đâu.
Kiên trì làm những điều này hàng ngày, trong mọi tình huống, chẳng bao lâu kho từ vựng của con bạn sẽ đầy dần lên.
tương tác với trẻ nhiều hơn
Ngôn ngữ của trẻ không tự nhiên mà có. Nó hình thành từ từ qua việc học tập thường xuyên. Một đứa bé phải tha thẩn chơi một mình hoặc xem Youtube suốt ngày là đã mất đi một ít điều kiện hình thành ngôn ngữ.
Cách giúp trẻ chậm nói, không gì thay thế được, là người lớn phải nói chuyện với bé nhiều thật nhiều. Chiếc ti-vi hay màn hình smartphone không đáp ứng được sự tương tác này. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy tắt ti-vi và dành thời gian tương tác, trò chuyện cùng trẻ. Không chỉ ở nhà, bạn có thể đưa trẻ đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bạn cùng tuổi và những người khác để trẻ được tương tác và học hỏi. Cho trẻ cơ hội trò chuyện là cách để bạn biến trẻ chậm nói thành nhanh nói.
Cuộc sống gia đình ngày nay quá bận rộn. Tuy nhiên, dù không thể cả ngày bên con, bạn cũng cố gắng thu xếp dành cho con ít nhất 30 phút chất lượng mỗi ngày. Toàn bộ thời gian này bạn tập trung vào việc tương tác với con.
Hãy quan sát con thật kỹ và xem con quan tâm đến điều gì và nói với con những từ liên quan đến điều ấy. Con sẽ cảm ngôn ngữ hơn nhờ những tương tác này đấy!
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình