Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nhiều giải pháp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và sớm khởi công dự án sân bay Long Thành. Cụ thể, trong đề cương báo báo nghiên cứu khả thi, ACV ghi rõ do quy mô dự án lớn và phức tạp, nếu thực hiện theo quy trình thông thường thì có thể mất 10 năm nữa mới hoàn thành giai đoạn một của dự án sân bay Long Thành.
Vì vậy ACV, chủ đầu tư dự án, đã kiến nghị được tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong trường hợp đơn vị trúng tuyển thiết kế kiến trúc khác với nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi, ACV sẽ yêu cầu hai bên phối hợp để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Đặc biệt, ACV muốn được triển khai thi công ngay các hạng mục công việc độc lập và triển khai thiết kế kỹ thuật ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Chủ đầu tư cũng đề nghị được tách báo cáo phần 1 (cho giai đoạn 1) dự án sân bay Long Thành trước, dự kiến chỉ mất 4 tháng sau khi tiến hành nghiên cứu. Toàn bộ báo cáo các giai đoạn sau sẽ được hoàn thiện khoảng vào tháng 4–2017. Như vậy, báo cáo khả thi sẽ được trình lên cấp thẩm quyền sớm.
Cũng trong nỗ lực rút gọn quy trình chuẩn bị dự án, vào đầu tháng 8–2015, Tổng công ty đã kiến nghị Bộ Giao thông chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi (FS) sẽ kiêm luôn tư vấn thiết kế cho toàn bộ dự án về sau. ACV cũng xin không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và đài kiểm soát không lưu mà đưa nội dung này thành một tiêu chí lựa chọn nhà thầu thực hiện FS.
Lãnh đạo ACV cho rằng điều này không chỉ giúp rút ngắn tiến độ trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế nhằm kịp thời khởi công mà còn giúp đồng bộ trong công tác triển khai các ý tưởng thiết kế về sau.
Về các chủ thể đầu tư, ACV kiến nghị Bộ chủ quản giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đảm nhận hạng mục đài kiểm soát không lưu. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đối với việc giải phóng mặt bằng.
Sân bay Long Thành được coi là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Dự kiến kinh phí cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án sân bay Long Thành được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.
Tiếp Thị Gia Đình