Dạy con ngoan: Hiểu đúng về hành vi thích ném đồ của trẻ

Bạn cảm thấy bất lực trước thói quen hay ném đồ đạc của trẻ? Hiểu được nguyên nhân của trẻ sẽ giúp bạn đỡ bực bội và có giải pháp khoa học để xử lý, khiến cho việc dạy con ngoan trở nên nhẹ nhàng hơn

VÌ SAO TRẺ THÍCH NÉM ĐỒ?

Trẻ ném đồ để được thỏa mãn và vui vẻ

Trẻ con thường thích tiếp xúc, cầm nắm và “tiện tay” ném đi bất cứ vật nào trong tầm kiểm soát của mình. Điều này không có nghĩa là trẻ hư đốn hay có xu hướng bạo lực. Kỳ thực, trong quá trình ném đồ, trẻ phát hiện rằng khi mình làm như vậy, bố mẹ hay các thành viên trong nhà sẽ đến nhặt và thu dọn, cử động này trong mắt trẻ lại giống như có người cùng chơi đùa, quan tâm đến mình, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ và được thỏa mãn.

Trẻ ném đồ như một cách để tìm tòi, khám phá

Mọi thứ xung quanh đối với trẻ mà nói đều tràn đầy sức hấp dẫn. Trẻ có long hiếu kỳ mạnh, rất muốn biết khi mình ném đồ vật xuống đất thì tại sao có cái phát ra âm thanh, có cái lại không, đồng thời sau khi ném thì các món đồ sẽ như thế nào…Điều quan trọng là lúc trẻ ném đồ sẽ được bố mẹ chú ý, khiến trẻ rất vui. Vì vậy, trẻ dung cách này như một cách để khám phá thế giới xung quanh mình. Cho nên có thể nói, muốn dạy con ngoan không có nghĩa là cấm trẻ “thử và sai”, bạn cần hiểu được nhu cầu của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được học hỏi bằng nhiều cách.

Ném đồ cũng là quá trình rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho trẻ

Khi trẻ có thể dùng tay ném đồ và xem chúng bay cao, xa và trở nên như thế nào cũng là một cảm giác thành công đối với trẻ. Trong quá trình mà bạn cho là trẻ đang phá phách này, trẻ vừa có thể khám phá những thứ mới vừa tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, với những trẻ nhỏ thì việc cầm nắm và ném đồ cũng giúp trẻ rèn khả năng nắm bắt, xác định phương hướng v.v…

GIẢI PHÁP CHO BỐ MẸ KHI TRẺ THÍCH NÉM ĐỒ

day con ngoan hinh anh 2

Dạy con ngoan đòi hỏi bạn cần có hiểu biết và lòng kiên nhẫn, bao dung dành cho trẻ. Trước hành vi thích ném đồ của trẻ, bạn cần có chuẩn bị và những nguyên tắc tích cực để vừa cho trẻ tự do phát triển, vừa không thấy việc nuôi dạy con quá khó khăn.

Không nên quá hạn chế trẻ, cần tạo một không gian nhỏ cho trẻ hoạt động

Nếu bạn cảm thấy việc trẻ ném đồ thật sự bất tiện và phiền phức mà đặc biệt hạn chế các biểu hiện hành vi ở trẻ thì thật thiếu khoa học. Cho dù biểu hiện của trẻ chưa đúng đắn nhưng bạn cần tôn trọng đặc trưng cá tính của trẻ trong quá trình trưởng thành. Lời khuyên cho bạn là nên dành một nơi thích hợp trong nhà để trẻ được…ném đồ, giảm thiểu sự cố ngoài ý muốn lại vẫn giữ được không gian cho trẻ trải nghiệm. Nếu trẻ hoạt động ngoài trời, bạn nên tùy không gian mà sắp xếp các trò chơi có hoạt động ném đồ thích hợp, hướng dẫn trẻ chơi đúng cách chứ không phải ném lung tung hay phá hỏng đồ vật.

Chuẩn bị các món đồ chơi “bền bỉ”

Nếu trẻ đang trong giai đoạn hiếu động và thích ném đồ, bạn nên chọn các loại đồ chơi có độ chịu lực và bền, như đồ chơi bằng vải, bông, nhựa v.v…Những thứ này ít phát ra tiếng động khi va đập, lại ít hư hỏng và còn có thể giúp trẻ nhận biết các loại đồ vật khác nhau trong quá trình ném.

Không cần nhặt ngay khi trẻ vừa ném đồ

Nếu bạn chạy đến nhặt và thu dọn các món đồ trẻ vừa ném, dần dần sẽ khiến trẻ cảm thấy như đây là một trò chơi rất vui. Hãy để trẻ ném thỏa thích, khi cảm thấy không được chú ý, trẻ sẽ hết hứng thú. Thậm chí, khi hành vi ném đồ của trẻ quá nghiêm trọng, bạn có thể bắt trẻ chịu trách nhiệm, chẳng hạn đồ ném rồi thì không được chơi nữa, hoặc hỏng rồi thì không mua cho cái mới v.v… Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra giới hạn cho hành vi của mình, biết ý thức và điều chỉnh hành vi. Khen thưởng hay trách phạt có nguyên tắc cũng là một trong những cách dạy con ngoan mà các ông bố bà mẹ hiện đại nên lưu ý.

Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua