Bạn ấn tượng gì về ngày Tết? Là cảm giác hồi hộp chuẩn bị hành lý về quê đón Tết. Là giây phút mắt cay xè khi cả nhà ùa ra chào đón bạn về? Hay là thời khắc quây quần cả nhà đón giao thừa hay chỉ là mùi hương thơm phức của bánh chưng xanh? Hầu như chúng ta đều ấn tượng sâu sắc nhất về những điều ấy. Nó làm nên tuổi thơ, làm nên kỷ niệm và làm nên đạo đức, tâm hồn. Tết này, bạn hãy trao cho con những bài học quý mà bạn từng được cha mẹ trao tặng, từng được trải nghiệm, để con cũng có một trời kỷ niệm đẹp như của chính bạn nhé.
Học lập kế hoạch
Đã bao giờ bạn muốn về quê ăn Tết mà không thể mua được vé máy bay, vé tàu hay chưa? Đấy là vì bạn không lên kế hoạch công việc mà đợi nước đến chân mới nhảy.
Để chuyện này không xảy ra với con, bạn nên dạy bé lên kế hoạch. Nếu có kế hoạch về quê, đi chơi Tết ở đâu, ăn gì dịp lễ tết… bạn hãy cùng con viết ra giấy và bắt tay thực hiện từng nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, việc mua vé tàu, máy bay quan trọng hơn việc mua quà Tết, sắm trang phục cá nhân do đó cần được ưu tiên thực hiện trước.
Học gói bánh chưng/bánh tét
Biết thêm kỹ năng mới sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Dạy cho trẻ biết cách gói bánh chưng cũng là cách giúp bé tự tin, hiểu về tập tục truyền thống, có cảm giác hoàn thành khi chinh phục được thử thách mới.
Gói bánh chưng không chỉ là cơ hội để bé thực hành môn… thủ công; mỹ thuật mà còn là dịp để bé trải nghiệm hương vị và màu sắc của lá dong; lá chuối, nhân đậu, hạt nếp tròn căng, mùi thảo quả, mùi hạt tiêu… Chúng đánh thức các giác quan của trẻ và có thể tạo nên những ấn tượng khó quên. Chưa kể, bánh chưng/bánh tét còn là hồn của Tết Việt.
Tết là để đoàn viên
Làm nên hạnh phúc một gia đình không phải chỉ là nhu cầu ăn no, mặc ấm. Đôi khi nó khá trừu tượng, chỉ mang giá trị tinh thần, đơn giản như sự gặp gỡ, nhìn thấy nhau, trò chuyện và sẻ chia mọi chuyện về một năm đã trôi qua.
Hãy cùng con bạn lên lịch ngày về quê ăn Tết, cho con tham gia vào việc chuẩn bị hành lý cá nhân, mua quà về quê cho người thân; cho bé trải nghiệm những chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay ngày Tết đông đúc… để bé hiểu rằng, dù vất vả thế nào; Tết là lúc mọi người quay về bên gia đình. Tết là để đoàn viên.
Ngày nay, nhiều nhà thích đi du lịch chơi Tết. Hãy cùng con có những giây phút đoàn viên bên đại gia đình trước khi bạn sống cùng những đam mê riêng của mình.
Trách nhiệm chia sẻ việc nhà
Sắp tới kỳ nghỉ dài, đầy niềm vui nên việc bạn nhờ con làm việc nhà dễ hơn bao giờ hết. Cho con tham gia dọn dẹp nhà cùng bạn với những trách nhiệm cụ thể, bạn không chỉ đỡ mệt mỏi mà bé cũng có cơ hội được làm việc, được học cách chia sẻ, giúp đỡ và thể hiện trách nhiệm của mình với người thân trong gia đình.
Nếu bé không thích dọn dẹp nhà cửa, bạn có thể trao cho con công việc trang trí nhà cửa bởi hầu hết trẻ thích trang trí hơn dọn dẹp đủ thứ lặt vặt trong nhà.
Bài học về sự hiếu thảo
Với ông bà, tổ tiên đã khuất, bạn nên dẫn con đi tảo mộ, giải thích về giá trị nguồn cội, mối quan hệ, công đức của các bậc tổ tiên đối với gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kéo con vào việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên; để bé tự tay cầm nén hương cúi lạy tổ tiên bằng tất cả sự trang trọng và thành kính.
Với ông bà còn sống, bạn khuyến khích con tự chuẩn bị món quà Tết tặng ông bà, tự viết lời chúc Tết, hay có những cử chỉ giúp đỡ, chăm sóc trong những ngày đón Tết cùng ông bà.
Trẻ học tập tốt nhất khi nhìn vào gương của người lớn. Do đó, nếu bạn thể hiện sự hiếu thảo, con bạn cũng sẽ từ từ “thấm đẫm” tình cảm tốt đẹp này.
Biết thể hiện sự tri ân thầy cô
“Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Tết không chỉ là lúc trẻ thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà mà còn là lúc trẻ học cách tri ân thầy cô đã dạy dỗ mình.
Bạn đừng làm việc này thay con bằng cách “dúi” vào tay cô giỏ quà hay bao lì xì cho xong chuyện. Hãy gợi ý và hỗ trợ để bé tự chuẩn bị món quà biếu cô thầy. Món quà ấy không cần nặng về vật chất nhưng phải do bé chuẩn bị thật trang trọng.
Bài học về ứng xử, giao tiếp lịch sự
Tết đem đến vô vàn cơ hội để trẻ rèn luyện thái độ ứng xử và giao tiếp lịch sự. Chỉ cần bạn giải thích với con về những điều bé cần làm. Nó sẽ trở thành thói quen của bé.
Tới sân bay cần kiên nhẫn chờ đến lượt, xếp hàng là văn minh. Khách đến nhà phải chào hỏi. Rót nước, pha trà mời khách đúng cách.
Nếu con là khách đến nhà người khác thì nên ứng xử thế nào? Chúc Tết thế nào cho hay và dễ thương? Cách nhận tiền lì xì lịch sự, lễ phép? Trò chuyện với những người lạ thế nào? Không có khoảng thời gian nào trong năm mà bạn có thể hướng dẫn con các bài tập về giao tiếp phong phú hơn dịp Tết.
Bài học quản lý tiền mừng tuổi
Tết là thời điểm bé… bội thu nhất năm. Thay vì thu hết tiền mừng tuổi của con, bạn nên để trẻ tự học cách quản lý tiền của mình. Bạn chỉ đóng vai trò quân sư thôi nhé. Sau Tết, bạn hãy cùng con kiểm đếm số tiền thu được; hỏi con việc con muốn làm và cùng con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó. Học cách quản lý tiền sớm là cách giúp con ý thức về giá trị đồng tiền; biết trân trọng đồng tiền và chi tiêu có kế hoạch, có kiểm soát.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình