Nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn giúp ta hạnh phúc, giảm trầm cảm, ngủ ngon và khỏe mạnh hơn. Dạy con lòng biết ơn cũng là cách truyền trao cho con nhiều giá trị khác. Song nếu chỉ chăm chăm tặng thưởng cho con bằng cách mua quà, quần áo đắt tiền, bạn sẽ khó nhận được lòng biết ơn sâu sắc từ trẻ. Trẻ nhỏ có cách nhìn nhận vấn đề khác người lớn. Vậy trẻ nói lời cảm ơn khi nào? Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
VÌ SAO CON QUÊN NÓI CẢM ƠN?
Con trẻ thường xuyên quên nói lời cảm ơn khi nhận quà người khác tặng, bạn cũng đừng bực bội với bé. Một nghiên cứu của Yarrow Dunham, giáo sư tâm lý tại Đại học Yale, Mỹ, cho thấy, trẻ 4–8 tuổi có phản ứng khác nhau tùy theo món quà chúng được thưởng hoặc món quà bất ngờ. Khi nhận quà do học giỏi, nghe lời, các em sẽ coi đó là “món quà trao đổi”. Trẻ sẽ vui, song món quà đó không giúp chúng hiểu sâu sắc về lòng biết ơn, cũng không giúp chúng trở nên rộng rãi hơn với người khác.
Ngược lại, những món quà không có lý do lại tạo cảm xúc mạnh mẽ và trẻ sẽ dễ dàng bày tỏ lời cảm ơn hoặc chia sẻ món quà với người khác. Do vậy, khi trẻ không nói lời cảm ơn với những món quà được tặng thưởng, đó không hẳn là thái độ vô ơn, mà con bạn chỉ đang quá thực tế. Điều quan trọng là bạn cần tế nhị hơn khi tặng thưởng và dạy con lòng biết ơn chân thành.
DẠY CON LÒNG BIẾT ƠN
Tom Gilovich, giáo sư tâm lý Đại học Cornell, Mỹ, đã phát hiện rằng mọi người thường biết ơn và ấn tượng với những trải nghiệm hơn là món quà vật chất. Cụ thể là trẻ sẽ biết ơn vì một bữa ăn gia đình, một buổi hát hò quanh lửa trại nhiều hơn cả khi được tặng một chiếc điện thoại. Vì vậy, để khơi dậy lòng biết ơn ở trẻ, bạn không nên chỉ tặng con những món quà vật chất.
Bạn hãy cho con thấy thế giới rộng lớn hơn như cùng con trở thành ông già Noël tặng quà cho trẻ em nghèo. Niềm hân hoan trên gương mặt của trẻ em nghèo khi được bắt tay, nhận bong bóng từ ông già Noël sẽ cho con bạn thấy lòng biết ơn không chỉ là khi nhận được quà vật chất.
Những món quà tinh thần cũng rất có giá trị. Trẻ cũng sẽ nhận ra mình may mắn khi được cha mẹ chăm lo chu đáo và biết ơn cha mẹ nhiều hơn cũng như biết chia sẻ những gì mình có với người khác.
NHỮNG VIỆC HÀNG NGÀY CÙNG CON
Bạn yêu cầu con cư xử lễ phép, đúng mực. Bạn cần nói cụ thể với con: “Mỗi chúng ta đều phải cảm ơn khi cha mẹ, cô chú hay bất kỳ ai cho mình cái gì, giúp mình điều gì, dù là rất nhỏ”. Bạn xây dựng lòng biết ơn như một hoạt động truyền thống trong gia đình. Chẳng hạn trước khi đi ngủ, mỗi người hãy viết ra 3 điều khiến mình cảm thấy may mắn, biết ơn trong ngày. Đặc biệt, bạn hãy nói chuyện hoặc nhắn tin cho con về những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn, từ sự giúp đỡ của một người bạn hay một ngày đẹp trời hoặc cái ôm của con. Đây cũng là cách bạn dạy con tập trung vào những điều tích cực và biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giúp trẻ có thái độ sống lạc quan hơn.
THANH AN
Mục Mẹ và con – Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình