Dạy con học toán không hề khó!

Mọi trẻ em sinh ra không định sẵn ai giỏi, ai dở. Sự khác biệt giữa đứa trẻ giỏi và dở toán nằm ở kỹ thuật dạy. Dạy con học toán thực chất không khó như bạn nghĩ!

Một bạn đọc Tiếp Thị Gia Đình lo lắng: “Chắc cậu con lớp 1 của tôi có gen học toán dở của tôi. Mấy phép tính cộng trừ trong phạm vi 5 thôi mà sai tùm lum”. Không riêng cậu bé của phụ huynh này; hầu như mọi trẻ em đều có nỗi sợ với toán học và các con số. Dạy con học toán luôn làm các bậc phụ huynh đau đầu.

Ngày xưa, vì sợ toán, bạn không thích học và sợ luôn cả thầy cô dạy toán. Kết quả là sau bao năm học toán, không ít lần; bạn nhẩm mãi không ra số tiền phải trả cho bà bán thịt, người bán rau ngoài chợ. Cuối cùng, họ tính bao nhiêu, bạn trả bấy nhiêu. Để rồi khi về nhà, bạn tiếc ngẩn ngơ: “Mình đã bị người ta tính lố tiền rồi”.

Bạn có muốn con mình rơi vào những tình huống “tự mình thấy nhục” như thế khi lớn lên không? Vậy thì đừng dán nhãn con rằng, con có gen dở toán. Nếu bạn muốn dạy con học toán, yêu toán, thích toán, bạn có thể thực hành 6 mẹo dưới đây:

1. Đừng truyền nỗi sợ toán cho con

Nếu bạn nghĩ mình không giỏi môn toán, chẳng thể dạy con tốt; bạn sẽ truyền nỗi lo lắng ấy khi cố gắng giúp con giải các bài tập toán. Trẻ em nhạy cảm hơn bạn nghĩ. Con thừa biết khi nào bạn thích thú, hoàn toàn tự tin với các con số và khi nào bạn đang sợ chúng; cố “chiến đấu” với chúng.

Thế nên, hãy cho con bạn thấy con số không đáng sợ bằng cách tự tin trong việc tính toán hàng ngày hoặc khi dạy con học toán. Cảm hứng thích toán của trẻ bắt nguồn từ chính cha mẹ khi dạy con học toán.

2. Đọc toán cho trẻ

Khi trẻ mới biết đi, bạn không chỉ bắt đầu đọc chữ mà cần “đọc” cả toán cho con. Bạn có thể sử dụng Flashcard bán rất nhiều ở nhà sách. Vui nhộn hơn là nhận biết các con số thông qua bài hát. Kênh youtube có rất nhiều tài liệu dễ thương giúp bạn làm được điều này.

Đơn giản là mở các bài hát đếm số cho con nghe. Sau đó, bạn thường xuyên hát lại cho con nghe. Khi hát, bạn nên dùng ngón tay hoặc đồ chơi minh họa trực quan cho các con số. Cách làm này giúp trẻ làm quen và trở nên thoải mái với các con số; không có cảm giác các con số khô khan, khó hiểu, khó hình dung. Dạy con học toán cách này rất dễ dàng cho phụ huynh.

3. Dạy con học toán nên là việc vui vẻ

Không phải cứ ngồi vào bàn, làm các phép cộng, trừ, nhân, chia mới gọi là học toán? Có nhiều cách học toán thú vị, từ trò chơi hằng ngày như chơi đoán số, chơi tạo hình; chơi phân loại vật thể theo hình dạng; kích thước và màu sắc… đến các trò chơi thách thức hơn như Lego, Sudoku, game cờ tỷ phú Monopoly đều là cách rèn tư duy toán học.

Vậy tại sao bạn cứ khăng khăng bắt con ngồi vào bàn giải toán? Dạy con học toán thông qua nhiều hình thức khác nhau chính là cách khiến trẻ tự trải nghiệm rằng, toán là thú vị, không khó, không nhàm chán.

4. Tìm hiểu những gì con đang học ở trường để tự ra bài tập cho con

Biết những kỹ năng toán học con bạn đang học ở trường; bạn sẽ biết năng lực của con mình. Đây là cơ sở để bạn tự ra các bài tập để dạy con học toán ở nhà; hoặc lên các hoạt động vui vẻ phù hợp với trình độ của con mình. Học toán cần có tính cá nhân hóa.

Trình độ đến đâu, trẻ cần có các hoạt động, bài tập phù hợp đến đấy. Khi trẻ hoàn thành bài tập được giao; trẻ sẽ được trải nghiệm cảm giác thành công; từ đó con có thêm động lực để tiến xa hơn và tự tin với toán.

Nói đến việc ra bài tập cho con thực hành, bạn cần biết lịch sử ra đời của phương pháp học toán Kumon.

Vào năm 1954, mẹ của cậu bé Takeshi Kumon ở Nhật Bản tìm thấy một bài kiểm tra toán trong túi của con. Kết quả kiểm tra của cậu không tốt như thường lệ. Thay vì la mắng con, người mẹ tìm đến hỏi ý kiến chồng là giáo viên toán trung học.

Để giúp vợ và con, thầy Toru bắt đầu biên soạn những bài tập toán cho con trai tự học ở nhà. Thầy Toru Kumon đã tự tay biên soạn rất nhiều bài tập toán trên các tờ giấy rời cho con trai thực hành. Chính việc luyện tập nửa giờ mỗi ngày với tài liệu này của cha đã giúp Takeshi nhanh chóng phát triển khả năng tính toán.

Sau con trai, thầy Toru Kumon mời một số trẻ em trong khu phố đến nhà học và cũng hướng dẫn các em theo cách đã hướng dẫn cho Takeshi. Kết quả, phần lớn các em đều cải thiện khả năng học tập một cách đáng kể. Nếu không có thời gian và kinh phí cho con theo học những chương trình có tính cá nhân hóa như Kumon, bạn hoàn toàn có thể dựa vào chương trình học của con để ra các bài tập phù hợp.

Không có gia sư nào hiểu con bạn bằng chính bạn. Vì thế, cứ tự tin dạy con học toán bạn nhé.

5. Liên hệ toán học với cuộc sống thực tiễn

Không làm cho toán học trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày là một trong những lý do khiến trẻ thấy toán thật trừu tượng; khó nắm bắt và không cần thiết để phải dành công sức chinh phục nó. Bạn có thể “sửa” điều này dễ dàng bằng cách gắn toán học vào mọi hoạt động thực tiễn.

Chỉ con cách nhận biết tiền, xem đồng hồ, đọc số trên biển số xe; so sánh giá của hai sản phẩm cùng loại khi đi siêu thị, đọc số tiền phải thanh toán trên hóa đơn, nhờ trẻ lấy 10 quả cà chua cho vào giỏ, đếm số đèn đỏ gặp trên đường, đong gạo giúp mẹ; canh thời nướng bánh giùm mẹ… Tất cả đều là toán học. Xét cho cùng, toán học ở mọi nơi, chỉ là bạn có để con có cơ hội tiếp xúc với chúng hay không mà thôi.

6. Trò chuyện với con về toán học

“Mẹ rất thích số 4. Vậy con thích số nào nhất? Tại sao?” Đơn giản thế thôi là bạn có thể khơi gợi một cuộc trò chuyện liên quan đến toán học rồi đấy. Nếu bạn biết cách kết hợp toán học vào các cuộc trò chuyện hàng ngày, toán cũng sẽ từ từ trở thành một phần dễ dàng trong cuộc sống của trẻ.

Dạy con học toán cuối cùng chính là tìm cách để trẻ say mê với điều con được học.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua