Có thể nữ diễn viên trẻ 25 tuổi Pratyusha Banerjee sẽ không phải chết nếu cô mở lòng chia sẻ cảm xúc với người mình tin cậy. Làm sao để không còn có những bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh như Pratyusha? Một trong những điều đó là hãy dạy con chia sẻ cảm xúc!
VÌ SAO NÊN DẠY CON CHIA SẺ CẢM XÚC?
Không riêng Pratyusha, nhiều trẻ hoạt bát, hài hước, biết kể chuyện nhưng lại không biết cách chia sẻ cảm xúc của mình với người thân. Đến khi gặp cuộc sống không suôn sẻ, trẻ sẽ dễ cảm thấy cô độc, quẫn bách.
Ngoài ra, việc thiếu người chia sẻ, định hướng dẫn đến trẻ có hành động sai lầm như tự tử. Do vậy, giúp con biết chia sẻ cảm xúc, chuyện riêng để mọi người thấu hiểu, cho con sống tích cực hơn là điều rất cần thiết.
LÀM SAO ĐỂ CON CHIA SẺ CẢM XÚC?
Trẻ có nhiều từ vựng về cảm xúc chỉ là tiền đề để có thể chia sẻ cảm xúc tốt hơn chứ không phải trẻ nào có từ vựng tốt cũng sẽ biết chia sẻ cảm xúc. Vì bởi, dù có từ vựng sẵn có, trẻ cũng không có thói quen bày tỏ cảm xúc hoặc sợ người khác biết cảm xúc của mình.
Do đó, sau khi dạy con từ vựng, bạn cần dạy con áp dụng chúng vào cuộc sống. Nếu thấy mặt con bí xị, nhõng nhẽo khi mẹ đi làm, bạn hỏi: “Mẹ đi làm, con buồn đúng không?”.
Ngoài ra, bạn khuyến khích trẻ nhận ra cảm xúc của mình bằng cách hỏi thăm con hàng ngày: “Hôm nay con cảm thấy thế nào?”, “Hôm nay con đi học vui hay buồn?”…
LÀM GƯƠNG
Trẻ luôn xem cha mẹ là tấm gương tốt để học theo. Do vậy, bạn cũng nên chia sẻ cảm xúc, những câu chuyện của mình với trẻ. Bạn có thể chia sẻ với con rằng: “Mẹ hối hận khi đã lớn tiếng với con” hoặc “Mẹ rất vui vì được sếp khen” hay “Mẹ đã có một quyết định sai trong công việc, mẹ sẽ khắc phục vào ngày mai”.
LÀM SAO ĐỂ TRẺ NHẬN DIỆN CẢM XÚC?
Trước tiên, bạn dạy con cách gọi tên cảm xúc mà bé đang trải qua.
Càng có vốn từ vựng phong phú về cảm xúc, bé càng có khả năng bày tỏ cảm xúc bằng ngôn ngữ.
Khi hai tuổi, bạn có thể dạy con những từ cơ bản như vui, buồn, giận, sợ hãi, đau đớn. Ví dụ, khi trẻ ngã mạnh, bạn khuyến khích con nói “Đau”.
Trẻ lớn có thể học từ mô tả cảm giác trừu tượng hơn như chán nản, thất vọng, bồn chồn và khuyến khích con thường nói lên cảm xúc. Bạn còn có thể cùng con đọc truyện, xem phim rồi hỏi: “Con thấy nhân vật này đang có cảm xúc gì?”, “Vì sao nhân vật đó có cảm xúc như vậy?”, “Phản ứng như vậy đúng hay chưa?”, “Nó khiến người xung quanh thấy thế nào?”…
Bài: Thiên Minh
Mục Mẹ và con / Tiếp Thị Gia Đình