Đậu nành không ảnh hưởng đến sinh lý nam giới

Đó là thông tin được rút ra từ quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng trong thời gian dài của các nhà khoa học thuộc trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc Gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri

Trong hội thảo quốc tế “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới” diễn ra ngày 20–5–2015, các nhà khoa học Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra những bằng chứng khoa học khẳng định đậu nành không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới như các thông tin truyền miệng. Trái lại, thực phẩm này còn mang lại những lợi ích đặc biệt dành cho họ.

Thông tin truyền miệng cho rằng đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới xuất phát từ yếu tố đậu nành là thực phẩm giàu Isoflavones. Isoflavones, còn được gọi là phytoestrogen, có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam, nhưng thực chất Isoflavones không phải là estrogen.

Isoflavones được phân loại chính xác là một thụ thể điều biến estrogen chọn lọc (SERMs). Có nghĩa, SERMs tác động chọn lọc lên mô tế bào. Chúng có tác động tương tự với estrogen trên một số loại mô cụ thể, tác động ngược với estrogen trên một số mô khác, và với một số loại mô lại không có bất kì tác động nào.

Theo Tiến sĩ Mark Messina, Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Hoa Kỳ, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy không có tác động của đạm đậu nành hay Isoflavones lên nội tiết tố ở nam giới. Cụ thể như sau:

• Kết quả của phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định: đậu nành và thực phẩm cung cấp Isoflavones đều không làm thay đổi nồng độ Testosterone khả dụng ở nam giới.

• Isoflavones đậu nành không gây nữ hóa ở nam giới bởi không có bằng chứng nào cho thấy tiêu thụ Isoflavones tác động đến nồng độ estrogen tuần hoàn ở nam giới.

• Những nghiên cứu can thiệp ở nhóm nam giới trong độ tuổi từ 18−35 cho thấy Isoflavones không tác động lên tinh trùng và tinh dịch ở 5 khía cạnh: 1) Lượng xuất tinh 2) Mật độ tinh trùng 3) Số lượng tinh trùng 4) Tinh trùng di động 5) Hình thái tinh trùng.

Đáng chú ý, trong một nghiên cứu điều trị trên cặp vợ chồng vô sinh bị tinh trùng ít do suy giảm một phần tinh trùng trưởng thành, kết quả cho thấy Isoflavones có vai trò trong việc điều trị chứng tinh trùng ít. Đây là một tín hiệu mới để khoa học tiếp tục nghiên cứu lợi ích của đậu nành trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị vô sinh.

Nhân dịp này, website www.daunanhdinhduonglanh.vn cũng đã ra mắt người đọc.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua