Hiện nay, mỗi ngày cả nước thải ra môi trường khoảng 3 triệu tấn rác thải các loại. Và chúng đều không được phân loại rác. Nhưng các biện pháp xử lý chủ yếu lại là chôn lấp. Cách làm này ngày càng khiến nhiều bãi chôn lấp rác ở thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM… rơi vào tình trạng quá tải. Những người dân sống xung quanh khu vực này luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm gồm cả không khí, đất và nguồn nước.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt ngay việc chôn lấp rác thải và học cách phân loại cho đúng. Để sống văn minh hơn trong năm mới sang. Hãy cùng TTGĐ học cách phân loại rác thải trong chính gia đình và công sở. Sau đó là lan tỏa ý thức đến người xung quanh và cộng đồng.
Phân loại rác tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn chính là việc xử lý, tách riêng từng loại rác. Và thu gom chúng theo từng loại khác nhau ngay trong gia đình. Nếu phân loại rác tại nguồn hiệu quả sẽ giảm thiểu ô nhiễm lên môi trường; đồng thời, giảm áp lực lên các bãi rác thiêu hủy. Bước đầu làm quen, bạn có thể phân loại rác thành hai loại chính. Đó là rác hữu cơ và rác khó phân hủy.
♦ Rác hữu cơ
Rác hữu cơ là các loại rác như thức ăn thừa; rau củ quả hư; trái cây hư; bã trà; cà phê; hoa; lá cây; rơm… Loại rác này rất dễ dàng phân hủy nhưng nếu không thu gom và xử lý kịp thời cũng sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mùi hôi thối, khó chịu. Vì thế bạn hãy tận dụng chúng để làm phân bón cho cây trong vườn. Đừng bỏ chung với các loại rác khác.
♦ Rác khó phân hủy
Rác khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và rác vô cơ. Trong đó, rác tái chế là các loại rác có thể tái chế như: giấy; bìa các tông; kim loại hay các loại nhựa cứng.
Còn rác vô cơ chính là những loại rác không thể tái chế và rất độc hại đối với môi trường. Chúng là các vật liệu xây dựng; đồ cao su; thủy tinh vỡ… Những loại này rác này chỉ có thể xử lý bằng cách chôn lấp hoặc thiêu hủy. Tuy nhiên, không phải loại rác nào cũng có thể áp dụng cách này.
Dưới đây là một trong những chất thải sẽ gây nguy hại đến môi trường nếu không xử lý đúng cách:
– Bỉm: Nhiều người nghĩ bỉm có thể tái chế nhưng đây là một ý tưởng tồi tệ. Bởi chúng đều được làm bằng hạt nhựa. Phân trên bỉm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người thu gom rác. Hoặc có thể gây bệnh truyền nhiễm nếu quy trình tái chế không đảm bảo vệ sinh. Vì thế, bạn hãy cố gắng sử dụng vòi xối để làm sạch chất cặn trước. Sau đó, cho tã bẩn vào túi giấy và cột chặt miệng túi lại.
– Vỏ hộp sữa: đây loại rác đặc biệt do thành phần không chỉ có giấy mà còn bao gồm cả lớp nhôm và màng nylon. Bạn cần cắt hộp sữa và làm sạch rồi gửi đến cơ sở tiếp nhận để tái chế thành tấm lợp sinh thái hay tủ đồ từ vỏ sữa.
– Khăn giấy ướt: có cấu tạo gồm hỗn hợp chất dẻo, bột gỗ và coton. Vật liệu này khó phân hủy và có thể trôi nổi trong các cống rãnh. Và cũng như trên biển của chúng ta suốt nhiều năm. Vì thế, nếu không cần thiết, bạn hãy hạn chế sử dụng.
– Pin: là loại rác thải vô cùng nguy hiểm vì nó chứa những kim loại nặng siêu độc. Vì thế, khi dùng xong pin, bạn hãy gom vào lọ và mang đến điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí để xử lý.
Cách làm phân compost
Trước hết bạn cần có một chiếc thùng có nắp. Đầu tiên, hãy bắt đầu với một lớp lá cây khô ở đáy. Sau đó bổ sung thêm các loại rác thải hữu cơ khác rồi phủ lên lớp đất. Xen kẽ từng lớp rác, từng lớp đất như vậy đến khi đầy thùng. Kế tiếp, đậy nắp thùng làm phân để ngăn ngừa mùi hôi bay ra. Sau khoảng 60 ngày, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy, biến thành phân hữu cơ, hay còn gọi là phân compost.
Tiếp Thị Gia Đình