Điểm giữ trẻ không phép này đặt tại tổ 9, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, do bà Trần Thị Nga, sinh năm 1969, ngụ quận 4 (TP. HCM) thành lập.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết bé gái chết do sặc cháo tên Phan Nhã Quỳnh Tr, hiện vẫn chưa tròn tuổi, được bố mẹ gửi cho bà Nga chăm sóc để đi làm.
Khi sự việc đau lòng trên xảy ra, bà Nga kể lại vào khoảng 11 giờ 30 phút trưa 26–4, bà cho cháu Tr và các cháu khác ăn cháo xay nhuyễn. Tuy nhiên, trong khi các cháu khác đều ăn ngon lành thì cháu Tr vừa ăn vừa khóc nên bị sặc, ngạt thở và ngất đi. Ngay lập tức, bà Nga đã tiến hành sơ cứu bằng cách bế cháu Tr lên và vỗ vào lưng nhưng tình trạng của bé vẫn không được cải thiện.
Hốt hoảng, bà gọi cho mẹ của cháu là chị B.T.T (tạm trú tại huyện Hóc Môn) để đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến nơi thì bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn xác định cháu đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Hiện cháu Tr đang được gia đình đưa về mai táng tại Bình Định.
Nhận được tin báo bé gái chết do sặc cháo, công an huyện Hóc Môn đã nhanh chóng tạm giữ bà Nga để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân. Qua kiểm tra, cơ quan điều tra xác định cơ sở giữ trẻ của bà Nga đã thành lập được khoảng hơn một năm nay, đang giữ 8 đứa trẻ, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Bản thân bà Nga cũng không có chứng chỉ hành nghề trông giữ trẻ. Việc giữ trẻ này chỉ phát sinh khi người dân xung quanh, đa số là công nhân, nhận thấy bà Nga “mát tay” nên gửi trông hộ. Chi phí trông giữ mỗi trẻ là 1 triệu đồng/tháng.
Đây không phải là lần đầu tiên những cái chết đau lòng do trẻ bị sặc thức ăn xảy ra, mà đã có rất nhiều trường hợp thương tâm như vụ của bé trai 1 tuổi tên Nguyễn Cao Hải Long (Tiền Giang), bé trai ở quận 9 hoặc bé trai tên N.T.T ở quận Củ Chi… Vì vậy, vấn đề là chúng ta cần phải làm thế nào để ngăn trẻ bị sặc và nếu chẳng may điều đó xảy ra thì nên xử lý như thế nào?
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG XẢY RA TAI NẠN TƯƠNG TỰ VỤ BÉ GÁI CHẾT DO SẶC CHÁO?
Từ vụ việc bé gái chết do sặc cháo ở huyện Hóc Môn, nhiều phụ huynh cảm thấy rất lo lắng khi cho trẻ ăn. Để không xảy ra sự cố tương tự, bạn lưu ý những vấn đề sau:
♣ Phòng ngừa trẻ bị sặc:
– Không cho trẻ vừa nằm vừa ăn, không để trẻ chạy nhảy, cười đùa khi ăn.
– Chế biến thức ăn thích hợp cho từng độ tuổi để trẻ có thể nhai, nuốt dễ dàng.
– Cho trẻ ăn chậm rãi, không la mắng, bắt ép trẻ ăn nhanh vì càng ăn nhanh càng dễ sặc.
– Nếu trẻ quấy khóc, không nên cố nhét thức ăn vào miệng trẻ.
– Không lựa lúc trẻ đang cười rồi đút thức ăn vào.
– Khi cho trẻ ăn trái cây có hạt, phải loại bỏ hết tất cả hạt ra.
– Không để trẻ nằm ngửa ngay sau khi ăn.
♣ Xử lý khi trẻ bị sặc:
– Khi thấy trẻ đột ngột ngừng ăn, tím tái, khó thở, mắt trợn ngược… cần đặt trẻ nằm sấp, vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, phần giữa xương bả vai để trẻ nôn dị vật ra.
– Nếu thấy trẻ khóc được, hết tím tái, chuyển nhanh đến bệnh viện gần nhất.
– Nếu sau khi sơ cứu trẻ vẫn còn tím tái, thực hiện ấn ngực bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào dưới xương ức 5 lần liên tiếp. Sau đó quan sát, nếu trẻ còn khó thở, tiếp tục làm lại động tác ấn ngực. Làm 6 lần liên tiếp cho đến khi thấy trẻ hồng hào trở lại.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình