Đau khớp khi mang thai: Cách phòng ngừa và điều trị

Đau khớp khi mang thai là bệnh lý phổ biến ở nhiều thai phụ, gây khó khăn trong việc đi lại. Để giảm thiểu đau đớn, bạn nên biết cách phòng ngừa và điều trị

Chị Nguyễn Thu Nguyệt ngụ Đồng Nai đã viết cho Tiếp Thị Gia Đình để hỏi về tình trạng sức khỏe của mình: “Tôi đang mang thai ở tuần 28, bị đau và mỏi ở hầu hết các khớp trên cơ thể. Cảm giác đau khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi làm sao để giảm triệu chứng đau khớp khi mang thai này?”. Đau và mỏi các khớp là triệu chứng thường gặp ở thai phụ, đặc biệt là vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Vì sao lại có tình trạng này?

NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG 

Đau khớp khi mang thai là cảm giác tê cứng, đau nhức tại các khớp như khuỷu tay, ngón tay, đầu gối và hông. Việc bào thai tăng trọng lượng và thai phụ tăng cân gây chèn ép hệ thống cơ xương hay một số nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây đau khớp.

Tình trạng này diễn biến như sau: thai nhi ngày càng lớn sẽ khiến cơ thể người mẹ bị kéo ra phía trước và xuống dưới. Do vậy, đa phần thai phụ sẽ có xu hướng đau mỏi khớp lưng, đoạn gần xương chậu. Mặt khác, thai nhi đè ép lên khung chậu nên thai phụ dễ bị đau khớp háng, đau khớp chậu khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Hội chứng ống cổ tay cũng phổ biến trong thai kỳ. Bên cạnh tăng cân, việc tăng tiết dịch quanh các dây thần kinh ở cổ tay khiến chúng bị chèn ép gây ra đau ở cổ tay và bàn tay.

Đau khớp chủ yếu diễn ra ở người mang thai lần đầu hoặc thai quá lớn. Cơn đau sẽ giảm khi em bé chào đời. Nội tiết tố có liên quan đến đau khớp là relaxin. Đây là hoóc môn làm giãn dây chằng và cơ tử cung. Trong những ngày chuẩn bị chuyển dạ, relaxin làm mở cổ tử cung để em bé chui ra dễ dàng. Song, khi làm mềm khớp ở mức độ vừa thì thai phụ cảm thấy thoải mái, nhưng nếu nồng độ tiết ra quá nhiều, khớp sẽ bị lỏng lẻo quá mức và trượt lên nhau khi vận động nên gây đau khớp.

ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA 

Nếu thấy các khớp bị đau, bạn nên nói với bác sỹ chăm sóc thai kỳ của mình hướng dẫn uống thuốc giảm đau khi cần, nghỉ ngơi, xoa bóp và vận động hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu gây đau khớp là do trọng lượng thai nên chỉ cần bạn nằm nghỉ để cơ thể không chống lại sức nặng này thì cơn đau tự nhiên biến mất. Đồng thời, các khớp không còn trượt lên nhau quá mức nên sẽ giảm đau.

Bạn nên ngồi kiểu nửa nằm nửa ngồi vì ở tư thế này, thai nhi không đè trực tiếp lên khung chậu nên giảm đau khớp háng. Khi ngủ, nếu nằm nghiêng, bạn kê một lớp chăn mỏng hoặc gối mỏng dưới bụng để đỡ lấy thai. Nhờ đó thai sẽ không kéo lưng bạn quá mức, giúp giảm đau lưng. Gác chân khi ngủ có ích với người đau khớp háng, nhưng nếu bạn khó thở thì biện pháp này không hiệu quả vì gác chân làm tăng khó thở.

Khi bị đau khớp không do viêm, bạn cần hạn chế tập thể dục tối đa. Tốt nhất, bạn chỉ tập trên giường bằng cách nằm ngửa và nhấc hai chân khỏi giường, co chân, duỗi ra, hạ chân xuống. Mỗi ngày tập 30 phút nhưng tập 3–5 nhịp dừng lại nghỉ một chút. Bài tập này giúp duy trì sức mạnh cơ hông và giúp chuyển dạ thuận lợi.

Nếu có thể, bạn nhờ chồng xoa bóp các khớp để giảm đau. Biện pháp này tốt cho khớp gối, cổ chân và các khớp ở tay, nhưng không tốt với khớp cột sống thắt lưng và khớp háng. Bổ sung DHA và dầu cá, uống nhiều nước cũng có thể giúp giảm đau khớp.

80% phụ nữ mang thai bị đau vùng chậu, chủ yếu là trong ba tháng cuối thai kỳ

Thông tin thêm

• Theo một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy, ít nhất 20% phụ nữ bị đau lưng khi mang thai và 30–50% trong số đó bị đau nghiêm trọng đến mức phải nghỉ việc. Tuy nhiên, chỉ 15–30% thai phụ bị đau lưng được điều trị.

• Người bị viêm, đau khớp khi mang thai triệu chứng đau khớp do viêm sẽ giảm và tái phát sau khi sinh vài tháng.

Bài: AN ĐÔNG

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua