Bệnh tay chân miệng là căn bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Song, những người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng dễ dàng mắc bệnh. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh không nguy hiểm, thường sẽ khỏi sau 5−7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành viêm cơ tim, viêm màng não, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời. Để đảm bảo cho sức khỏe cho con mình, sau đây là một số dấu hiệu bệnh tay chân miệng mà bạn có thể dễ dàng nhận ra:
Nhận biết dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Con bạn có thể mắc bệnh tay chân miệng nếu có các dấu hiệu sau đây:
√ Sốt nhẹ (từ 38 – 38,5ºC), đau họng, sổ mũi diễn ra vài ngày.
√ Sau đó sẽ phát bệnh, xuất hiện ban đỏ trên da và lở loét miệng. Trong 1−2 ngày đầu, da trẻ sẽ bắt đầu nổi các nốt ban đỏ, sau đó trở thành bọng nước, hình bầu dục, hơi tròn, đường kính từ 2−5 millimet. Những bọng nước này không gây ngứa, không đau và sẽ tự xẹp sau 7−10 ngày, kể cả khi không điều trị. Các bọng nước thường xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, chân, mông. Khi xuất hiện ở miệng, các vết ban đỏ sẽ gây lở loét. Những vết loét này có đường kính 4−8 milimet, xuất hiện ở trong khoang miệng, trên lưỡi và vòm miệng khiến trẻ gặp đau đớn khi nuốt.
√ Với các triệu chứng trên, trẻ thường tỏ ra mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, quấy khóc, giật mình một cách bất thường.
√ Ngoài ra, bệnh có thể biến chứng về thần kinh nếu có các dấu hiệu sau: trẻ ngủ không sâu, thường giật mình một cách bất thường, nặng hơn có thể hoảng hốt, nói nhảm, nôn ói nhiều, yếu tay chân, méo miệng và sợ ánh sáng. Các triệu chứng đó dễ dàng nhầm lẫn với trẻ mệt mỏi. Cho nên để chắc chắn, khi thấy những dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời điều trị.
Trên đây là những dấu hiệu bệnh tay chân miệng mà bạn có thể dễ dàng nhận ra để có cách chữa kịp nhanh chóng và kịp thời.
Cách điều trị và phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào khoảng thời gian tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 đến tháng 10.
Hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách tốt nhất là điều trị các triệu chứng và có chế độ chăm sóc tốt thì trẻ sẽ sớm khỏi bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chuẩn đoán chính xác. Trong thời gian chăm sóc bệnh, ngoài việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, trẻ cần được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn thức ăn dễ tiêu, tránh các thực phẩm cay nóng. Các vết thương do bọng nước để lại nên bôi các dung dịch để tránh nhiễm trùng.
Để phòng dịch bệnh, vào các tháng cao điểm, hạn chế cho trẻ đến các khu vui chơi đông người, giữ gìn vệ sinh cho trẻ cẩn thận. Đối với đồ chơi của trẻ, thường xuyên lau sạch để tránh bụi bẩn và tránh nhiễm bẩn khi trẻ cho tay vào miệng.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình