Đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại thông tin

Từ tháng 5 đến tháng 7–2016, các hội viên, giới báo chí trong cả nước sẽ được lấy ý kiến để xây dựng các quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Họp báo lấy ý kiến về đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Tại họp báo triển khai học tập, quán triệt luật Báo chí năm 2016 được tổ chức vào ngày 23−5 vừa qua, ông Hồ Quang Lợi − Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt nam cho biết: Từ tháng 5 đến hết tháng 7, Hội nhà báo Việt Nam sẽ tiến hành lấy ý kiến của các hội viên, giới báo chí trong nước về việc xây dựng quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Ông Lợi cho hay, luật Báo chí đã ra đời từ lâu, lần sửa đổi gần nhất cách đây 11 năm. Trong khoảng thời gian đó, tình hình xã hội có rất nhiều thay đổi, biến động cho nên một số quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo không còn phù hợp với hoạt động báo chí nói riêng và luật pháp nói chung. Vì thế cần phải có sự điều chỉnh gấp về Luật báo chí để đảm bảo tính thực tiễn của nghề báo cũng như quy định đạo đức của người trong nghề.

Góp ý sửa đổi và thực hiện quy định nghề làm báo chính là mục tiêu mà buổi họp báo đề ra. Trong buổi họp báo, ông Lợi phát biểu: “Đạo đức là vấn đề cốt lõi có tính sống còn đối với hoạt động báo chí. Nghề nào cũng cần đạo đức, nhưng báo chí là một hoạt động đặc biệt, một lĩnh vực đặc biệt có tác động chi phối dư luận và đời sống tinh thần của xã hội. Những người làm báo có trọng trách lớn đối với xã hội, nếu thiếu vắng đạo đức chúng ta không bao giờ có thể hoàn thành trọng trách đối với xã hội”.

Bắt đầu từ ngày 24−5 cho đến tháng 7, các cơ quan báo chí, nhà báo góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng quy định này phù hợp với Luật báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, từ ngày 1−1−2017, quy định đạo đức 
người làm báo Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực.

dao duc nghe nghiep nguoi lam bao hinh anh 1

Đạo đức người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin

Chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp người làm báo lại đặt ra như một thách thức đối với ngành báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung. Báo chí ngày nay không còn gói gọn ở các lĩnh vực báo giấy, truyền thông, truyền hình mà còn phát triển mạnh mẽ ở Internet – báo mạng. Đó chính là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, số lượng nhiều nhất nhưng lại khó kiểm soát nhất. Hàng loạt các vấn đề báo chí xảy ra đa phần đều bắt nguồn từ báo mạng. Báo chí cố tình bóp méo sự thật, không tôn trọng vấn đề bảo mật thông tin, giật tít gây chú ý nhưng nội dung vô nghĩa… Tất cả đều bắt nguồn từ lợi nhuận cá nhân mà quên đi ý nghĩa thật sự của người làm báo.

Báo chí đáp ứng nhu cầu tin tức của xã hội nhưng cũng là một phương tiện để giáo dục con người. Mặc dù “đạo đức” là một phạm trù không rõ ràng nhưng rất cần thiết khi có quy định cụ thể và chặt chẽ về những quyền lợi và giới hạn của người làm báo, để hạn chế tối đa tình trạng “rối loạn” thông tin hiện nay cũng như vẫn đảm bảo được tính tự do ngôn luận của báo chí.

Còn riêng đối với bạn đọc, nên tiếp nhận một cách có chọn lọc và kỹ lưỡng, tham khảo nhiều nguồn thông tin với các khía cạnh khác nhau để có cái nhìn khách quan, không phiến diện, một chiều.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua