Đào Chi Anh: “Thừa thắng xông lên” từ nỗi ám ảnh các món ăn

Khởi nguồn niềm đam mê nấu ăn từ món mì Ý hải sản, Đào Chi Anh đã tạo dựng nên Kitchen Art và hai quán cà-phê mang phong cách rất riêng, thu hút nhiều người tìm đến trong niềm hứng khởi

Đào Chi Anh ở Kitchen Art

Được quây quần bên nhau, cùng nhâm nhi tách cà-phê nóng, thưởng thức món ăn do chính mình tạo ra hay đơn giản là ngồi ngắm cảnh sóng nước hồ Tây lãng mạn thì thật là tuyệt. Tôi đã đến Kitchen Art của Đào Chi Anh để tận hưởng bầu không khí tươi trẻ, đầy cuốn hút khi hòa mình vào không gian bếp núc xinh xắn ấy.

Nhấp ngụm trà thảo dược, Chi Anh ngước đôi mắt lấp lánh niềm vui kể lại câu chuyện của mình. Sinh năm 1984, nữ Giám đốc Công ty TNHH Kitchen Art Vietnam từng sinh sống, làm việc tại nước ngoài suốt hai mươi năm và tự nhận mình là một blogger luôn bị “ám ảnh bởi các món ăn”.

KẾT NỐI ĐAM MÊ ẨM THỰC

Mọi sự khởi đầu từ năm 2009, khi lần đầu tiên Chi Anh, con gái thứ hai của giáo sư – tiến sỹ Đào Tiến Khoa, chuyên gia vật lý hạt nhân, thử thách tay nghề bản thân bằng món mì Ý hải sản. Đây là một loại pasta lạnh, trộn với giấm, rượu vang, dầu ô-liu cùng nhiều loại rau củ như cà chua bi, ớt chuông, quả ô-liu đen… Ban đầu, Chi Anh nghi ngờ vì cô quen ăn pasta có sốt cà chua hoặc sốt kem trong nhà hàng. Thế nhưng, khi làm xong, Chi Anh thấy món ăn vừa thanh vừa ngọt, lại ít béo. Đặc biệt, sốt không quá đậm nên các vị khác nhau của rau củ càng thêm nổi bật.

Cơn nghiện nấu ăn trong Chi Anh hình thành bằng việc phát hiện ra kho tàng ẩm thực của các nước trên thế giới qua những cuốn cookbook. Căn bếp bỗng chốc trở thành nơi ngày nào cô cũng khám phá những món ăn mới lạ, vừa ngon vừa bổ dưỡng. Chi Anh tập tành biến tấu nghệ thuật ẩm thực theo cách riêng của mình. Cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt thành Chi Anh qua trang cá nhân Door To My Kitchen do cô xây dựng.

Door To My Kitchen lọt vào danh sách những website thú vị nhất Hà Nội năm 2011 theo đánh giá của tạp chí The Word Hanoi. Cùng thời gian đó, Chi Anh gặp lại Giang, cô bạn chung trường Đại học Quốc gia Singapore có sở trường kinh doanh dụng cụ nhà bếp. Họ quyết định “song kiếm hợp bích” thành lập Kitchen Art để giúp mọi người trải nghiệm những mùi vị mới và tìm thấy sự hứng thú với gian bếp thông qua việc cùng nấu ăn, dạy nấu ăn, thuyết trình, xuất bản tạp chí điện tử về ẩm thực…

“Năm năm phụ trách mảng marketing – sales cho Panasonic ở Singapore và Việt Nam đem lại rất nhiều mối quan hệ với thu nhập tốt cho tôi nên đa số người thân đều phản đối khi tôi nghỉ việc vì lựa chọn này quá liều lĩnh”, Chi Anh nhớ lại.

Trong danh sách dài dằng dặc những nỗi lo về vốn đầu tư, việc mua hàng, mở kho… các đối tác có khả năng tài chính đều nhún vai, lắc đầu, cho rằng ý tưởng của Chi Anh quá xa vời. Cuối cùng, Chi Anh cũng đàm phán được với Sia Huat, một trong những doanh nghiệp dịch vụ đồ bếp uy tín ở đảo quốc sư tử.

Cô cười: “Khi dấn thân vào mới biết khó khăn nhiều khủng khiếp, từ chuyện thiết kế văn phòng sai lệch phải lùi thời gian khai trương, đến khâu nhập hàng vướng rào cản về thủ tục hải quan, bị phạt vì thiếu giấy tờ, bị mất hàng… Ngày nào tôi cũng thức đến 2–3 giờ sáng rồi tự nhủ mình phải mạnh dạn đối đầu”.

20150303_guongthanhcong_DaoChiAnh_FOOD

Chi Anh tập tành biến tấu nghệ thuật ẩm thực theo cách riêng của mình. Thú vui này lập tức được cộng đồng mạng ủng hộ

[related-products]

DẤN THÂN VÀO HƯỚNG ĐI MỚI

Cho đến giờ, đại gia đình Kitchen Art ở số 38, phố Quảng An, Q. Tây Hồ, Hà Nội, vẫn không sao quên được buổi nhận hàng đầu tiên. Vào nửa đêm mùa đông rét cắt da cắt thịt, cả sếp lẫn nhân viên co ro đứng dưới trời mưa lạnh chờ xe từ cảng Hải Phòng về. Tất cả cứ xuýt xoa hồi hộp không yên. Đến khi nhẹ nhàng bóc từng lớp giấy lót, nâng niu trên tay từng cái bát, đĩa, dao, nồi… tất cả mới thở phào sung sướng.

Giờ đây, công ty phát triển theo mô hình một nửa là cửa hàng, một nửa là trung tâm dạy nấu ăn. Công thức được Chi Anh chia sẻ rộng rãi trên website, blog, Facebook và YouTube. Tất cả món ăn đều được gia giảm nguyên liệu, chế biến dễ dàng và chú trọng tính bổ dưỡng.

Mỗi tháng, học viên có cơ hội thực hành làm bánh trực tiếp với giảng viên để tích lũy kinh nghiệm. Học viên có thể chủ động tham gia theo buổi, lên lịch sao cho phù hợp với thời gian biểu của mình là “điểm cộng” khiến các khóa học luôn kín chỗ ngay khi vừa ra thông báo. Các dãy kệ ngăn nắp của Kitchen Art với đủ loại dụng cụ, nguyên liệu… đạt tiêu chuẩn nhà hàng luôn rộng mở đón đợi mọi “tín đồ bếp núc” khiến mọi người ví nơi đây như “xứ sở cổ tích thu nhỏ”.

Năm 2013, Chi Anh mở rộng kinh doanh bằng việc khai trương quán cà-phê The KAfe tại tầng 2, số 18 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Không nằm ngoài triết lý ẩm thực của Kitchen Art, The KAfe phục vụ thực khách những món ăn và đồ uống mộc mạc nhưng bổ dưỡng, tươi ngon, chú trọng tiêu chí tự nhiên từ nguyên liệu đến trình bày, trong không gian ấm áp, gần gũi.

Ở The KAfe, thực đơn điểm tâm sáng gồm những món phổ biến và được mọi người yêu thích như pancake, bánh mì và mứt tự làm, các món trứng kiểu Âu cổ điển. Tất cả đều được làm ngay sau khi khách đặt để đảm bảo hương vị tươi ngon nhất. Đáng lưu ý, The KAfe giới thiệu các món Tapas (đồ ăn bày trên đĩa nhỏ), còn khá mới mẻ với thực khách Hà thành. Tapas rất tiện để chia sẻ hoặc dùng như một kiểu đồ nhắm kèm với thức uống yêu thích từ quầy bar. Tapas ở The KAfe thể hiện sự kết hợp độc đáo của ẩm thực phương Tây và Việt Nam. “Thừa thắng xông lên”, đến cuối tháng 8–2014, quán cà-phê thứ hai mang tên The KAfe Village khai trương tại biệt thự số 4, xóm Hà Hồi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toàn bộ không gian của The KAfe Village là biệt thự Pháp cổ hai tầng, với thiết kế thông thoáng, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, tạo nên bầu không khí thoáng mát.

Dường như với Chi Anh, kinh doanh kiểu gì cũng quẩn quanh với niềm đam mê của bản thân, say mê với căn bếp. Bởi thế mà thành quả cô gặt hái được ngọt ngào, đậm đà bản sắc như món Tapas ở The KAfe.

PHỎNG VẤN NHANH

20150303_guongthanhcong_DaoChiAnh_phongvanTheo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua