Phụ nữ vui nhất là khi gia đình ngon miệng thưởng thức món ăn do mình dày công chuẩn bị
Hình ảnh quen thuộc trong các gia đình Việt Nam là một ngày hai đến ba bữa, người phụ nữ loay hoay trong bếp, lo bữa ăn chu đáo cho chồng con, có khi thêm cha mẹ, người thân. Công việc này không chỉ chiếm một khoảng thời gian đáng kể của người phụ nữ mà còn hao tốn năng lượng trí não.
Nội trợ bao gồm cả việc đi chợ, ngồi tính toán chi tiêu cho hợp lý, lên thực đơn cho cả gia đình sao cho bớt nhàm chán, tìm kiếm cách thức nấu nướng sao cho ngon miệng và cuối cùng là vật lộn với nồi niêu, gia vị, nguyên liệu trong bếp.
Vậy những người đàn ông Việt thường phản ứng thế nào khi ăn cơm vợ nấu?
KHEN CHÊ CŨNG NĂM BẢY KIỂU
Anh Duy (Cần Thơ) kết hôn với chị Minh Anh đã bảy năm. Từ khi quen nhau, anh đã biết chị vụng về chuyện nấu ăn. Anh vốn cũng là “công tử” duy nhất trong nhà nên cũng chưa hề phải đụng tay vào chuyện bếp núc. Kết hôn xong, do công việc, cả hai phải chuyển lên Sài Gòn, ở riêng.
Ngày đầu tiên ở cùng nhau, chị Minh Anh dậy sớm, chiên trứng cho cả hai vợ chồng ăn bánh mì. Anh Duy rất sung sướng khi thấy vợ trổ tài nấu nướng, nhưng vừa cắn miếng trứng chiên thì anh phải nuốt trọn vì… quá mặn. Lần khác, nhà có khách, chị nghiên cứu cách kho cá và cũng hào hứng thử nghiệm. Kết quả là mùi cá tanh ngòm, vị cá ngọt như đường rất khó ăn, khách ai nấy đều không che giấu được cái nhăn mặt, chỉ có anh Duy vẫn ăn tỉnh bơ, gật gù đùa: “Cá kho thì ai chả làm được chứ cá nấu chè thì chỉ có mình em, lâu lâu đổi món thế cũng được em à!”.
Anh chưa bao giờ chê vợ khoản nấu nướng vì anh quan niệm ngoài việc đi làm vất vả, chị còn chịu khó vào bếp để duy trì những bữa cơm gia đình đã là tốt lắm rồi. Anh cũng siêng vào bếp phụ chị và cũng học dần cách nấu một số món đơn giản. Gia đình anh cũng biết tình trạng này của chị nên để khắc phục, mỗi tuần, mẹ anh lại gửi đồ ăn mặn nấu sẵn lên, chị chỉ cần nấu canh hoặc làm ít rau xào. Mọi người cũng như anh đều không phàn nàn vì biết ngoài hạn chế về nấu nướng, mọi việc khác chị đều khéo léo.
Trái ngược với anh Duy, anh An (TP. HCM) lại là người rất khó tính trong chuyện ăn uống. Vì vậy, dù chị Hương, vợ anh, không phải là người nấu ăn tệ, anh vẫn không ngớt lời chê bai, góp ý trong từng bữa. Chưa kể, anh thường so bì hương vị từng món chị nấu với món mẹ của anh từng nấu. Anh thích bún bò Huế, dù rất ghét các món bún phở, chị cũng kỳ công đi ăn ở nhiều quán để xem họ nấu ngon dở thế nào; lên mạng xem video, đọc công thức, cách hướng dẫn đủ kiểu để nấu cho được món này. Vậy mà lần nào ăn, anh cũng chê. Hôm thì chê thiếu vị cay, hôm thì chê giò heo ít nạc, hôm thì chê bắp bò luộc quá nhừ…
Để thẩm định lại trình độ nấu nướng của mình, chị mời bạn bè tới ăn. Chị cũng nấu y như vậy, vẫn chỉ có mình anh chê, còn lại ai cũng khen. Thỉnh thoảng, chị thấy anh ăn rất ngon miệng món mình nấu. Chị hỏi: “Ngon ha anh?!”. Anh thủng thẳng: “Cũng được”. Chị thắc mắc: “Không ngon sao anh ăn quá trời? Ngon thì anh nói ngon chứ sao lại nói cũng được?”. Anh bảo: “Khen ngon, em tự hào sớm, sao em cố gắng nấu ngon hơn được”.
PHẢN ỨNG KHI ĐƯỢC KHEN VÀ BỊ CHÊ CŨNG NĂM BẢY KIỂU
Tâm lý nói chung của con người là thích được khen hơn bị chê. Tuy nhiên, cả khen và chê đều cần thiết và đều cần được cân bằng cũng như thể hiện đúng cách. Nếu được khen ngợi quá mức cả khi nấu kém sẽ dẫn đến việc người được khen ảo tưởng sai lầm về các giá trị hoặc tiêu chuẩn. Ngược lại, việc chê bai thiếu khéo léo sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của người bị chê.
Trường hợp chị Minh Anh là một ví dụ. Sau bảy năm, khả năng nấu nướng của chị vẫn chưa cải thiện đáng kể trong khi anh Duy đã có thể đảm nhiệm hoàn toàn các bữa cơm gia đình. Nguyên nhân khiến chị thiếu cố gắng chuyện nấu nướng như chị từng giải thích đó là: dù ngon hay dở thì anh vẫn ăn hết những gì chị nấu mà chẳng một lời than phiền. Con trai cũng được huấn luyện từ nhỏ nên cũng rất dễ ăn. Tóm lại, bữa cơm gia đình của chị vẫn ổn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chị gặp chút rắc rối khi về quê chồng, tham gia các đám tiệc… Nếu phải vào bếp, chị gần như chỉ giữ nhiệm vụ rửa rau, rửa chén bát, hễ bị giao nêm nếm, trông coi món nào thì hầu như người khác đều phải nhảy vào “chữa cháy” cho chị.
Về người thường xuyên bị chồng chê ỏng eo chuyện nấu nướng như chị Hương thì chị cảm thấy rất ấm ức. Chị thừa nhận mẹ chồng của mình nấu ăn xuất sắc và mình chưa bằng mẹ chồng. Nhưng chị cũng cảm thấy không công bằng trong sự so sánh này vì chị phải đi làm từ sáng tới tối, bữa nào cũng phải nấu ăn vội vàng, khó mà chăm chút tỉ mỉ, cầu kỳ được.
Những lời chê bai của chồng đã bào mòn mong muốn cố gắng của chị. Có lần bực mình quá, chị cho cả nhà ăn cơm tiệm một tuần với lý do rất chính đáng là bận việc cơ quan về trễ. Tuy nhiên, sau đó, chị tự động vào bếp vì chính chị không ăn nổi cơm ngoài tiệm.
Lần khác, cũng giận chồng chuyện ưa chê bai, chị chuyển sang rau muống luộc, trứng chiên suốt ba ngày cho “khỏe”, nhưng rồi chính chị cũng “đầu hàng” trước. Bữa cơm gia đình trở thành lý do cắng đắng thường trực của hai vợ chồng.
LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI PHỤ NỮ HẠNH PHÚC VỚI VIỆC NẤU ĂN
Phần lớn phụ nữ Việt không đòi hỏi chồng phải nói ra lời cảm ơn khi ăn cơm vợ nấu, nhưng cũng nên có những hành động để thể hiện lòng biết ơn ấy. Đôi khi chỉ cần chồng ăn thật ngon món vợ nấu và sẵn sàng vào bếp phụ vợ.
1. Chia sẻ việc nấu nướng cùng vợ bằng những việc lặt vặt như nhặt rau, rửa rau, dọn bàn ăn… Phần lớn phụ nữ thích mình là chủ nhân của gian bếp nên cũng chỉ cần người chồng phụ giúp việc nho nhỏ. Thỉnh thoảng, chồng có thể giành quyền vào bếp tự tay nấu vài món chiêu đãi vợ và cả gia đình.
2. Ăn thật nhiều đồ ăn vợ nấu nếu không phải lo lắng chuyện cân nặng. Người đầu bếp sung sướng nhất khi nhìn thấy đồ ăn mình nấu được thực khách ăn hết, người vợ cũng vậy. Nếu đồ ăn có lỡ dở hơn thường lệ thì cũng cố gắng ăn nhiều nhất có thể, đừng vội buông đũa, chỉ trừ khi đồ ăn cháy khét, mặn đắng tới mức không thể ăn.
3. Về nhà sớm hoặc ít nhất là đúng giờ cơm, tránh để vợ và các con phải chờ đợi, khiến người vợ cảm thấy bữa cơm gia đình và công sức của mình không được coi trọng. Nếu không thể về nhà ăn cơm, chồng nên gọi điện báo trước, điều khó chịu nhất của phụ nữ chính là bỏ công nấu nướng mà không có người ăn.
4. Góp ý nhẹ nhàng nếu vợ hạn chế khả năng nấu ăn, khuyến khích vợ tham gia các lớp dạy nấu ăn cơ bản.
5. Tập nói lời cảm ơn vợ về những bữa ăn. Đây là thói quen tốt và phổ biến với đàn ông phương Tây, tại sao đàn ông Việt Nam không thử?
6. Đừng tiếc lời khen những bữa ăn ngon, đặc biệt khi biết người vợ đã bỏ rất nhiều công sức để chuẩn bị. Hãy vừa ăn vừa tấm tắc: “Món này ngon quá, cơm vợ nấu quả là số 1”. Chắc chắn, người phụ nữ sẽ sẵn lòng bỏ công sức nấu những bữa ăn khác dù vất vả đến đâu.
Mục Gia đình – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình