Theo Indian Express, những người đàn ông từng bị nhiễm chủng HPV 16 sẽ có nguy cơ tái nhiễm cao hơn 20 lần sau một năm và cao hơn 14 lần sau 2 năm.
Nguy hiểm hơn, đàn ông đồng tính hoặc lưỡng tính sẽ càng có nguy cơ bị bệnh ung thư hậu môn cao hơn người chỉ quan hệ với phụ nữ lên đến 17 lần. Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của virus này, TTGĐ mời bạn dõi theo các vấn đề chính sau đây!
HPV là gì?
HPV (Human Papillomavirus) là tên khoa học của nhiều chủng virus gây ra những sang thương dạng u nhú, đặc biệt là sùi mào gà sinh dục.
Theo các nhà khoa học, HPV có đến hơn 100 loại và có ít nhất 40 loại lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, hơn 90% mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) ở nam giới là do chủng HPV 6 và 11 gây nên. Chủng HPV 16 và 18 gây ra hầu hết các bệnh ung thư liên quan đến HPV (tính cả hai giới).
HPV có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua miệng, hậu môn, dương vật, âm đạo hoặc tiếp xúc thân mật da với da. Nếu một người nhiễm HPV, virus có thể lây lan ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
Đâu là dấu hiệu nhận biết HPV ở nam giới?
HPV có thể “ẩn nấp” trong cơ thể nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng cụ thể nên gây khó khăn cho việc phát hiện ra bệnh. Mụn cóc sinh dục là dấu hiệu căn bản của bệnh. Chúng xuất hiện dưới dạng các tổn thương phẳng, các vết sưng nhỏ giống như súp lơ trên dương vật, tinh hoàn, hậu môn hoặc lưỡi và họng.
Phần lớn các mụn cóc này thường không gây khó chịu hoặc đau đớn. Do đó, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi bất ngờ nào về da ở những khu vực này, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Nam giới nhiễm virus HPV sẽ để lại biến chứng như thế nào?
Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) ước tính vào năm 2022, khoảng 2.070 trường hợp là nam giới nước này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dương vật và 3.150 người mắc bệnh ung thư hậu môn.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn nhấn mạnh HPV không phải là bệnh ung thư. Theo họ, nhiễm trùng trong thời gian dài mới chính là thủ phạm tạo nên những thay đổi trong cơ thể có thể dẫn đến ung thư.
Các triệu chứng của ung thư hậu môn liên quan đến HPV có thể bao gồm: chảy máu, chảy mủ, đau hoặc ngứa hậu môn. Sưng hạch bạch huyết ở vùng hậu môn hoặc háng. Thay đổi thói quen đại tiện hoặc hình dạng phân.
Ung thư dương vật có thể dẫn đến: thay đổi mô trên dương vật, chẳng hạn như thay đổi màu sắc, dày da. Xuất hiện vết loét đau hoặc không đau có thể chảy máu.
Ung thư phía sau thành họng do HPV có thể gây: đau họng hoặc đau tai liên tục, ho dai dẳng, khó thở hoặc khó nuốt, giảm cân, thay đổi giọng nói hoặc khàn giọng, sưng ở cổ.
Hướng điều trị bệnh là gì?
Hiện nay, điều trị HPV chủ yếu tập trung giải quyết hậu quả, thường là các sùi màu gà. Khi được thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chữa trị sùi mào gà như: thuốc bôi ngoài da, đốt điện, laser…hoặc can thiệp phẫu thuật với các mào gà khổng lồ.
Tuy nhiên, HPV thường tồn tại và phát triển bên trong tế bào nên các biện pháp đốt sùi thông thường không diệt virus tận gốc.
Đối với HPV đã phát triển thành ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật kết hợp hóa, xạ trị.
>>Xem thêm: Tiểu đêm nhiều chưa chắc vì thận yếu
Làm thế nào để sống chung với virus HPV?
Ước tính khoảng 90% các trường hợp nhiễm HPV thường tự khỏi trong vòng 2 năm mà không cần điều trị và không gây ra bất kỳ tác hại nào.
Không có phương pháp đặc trị cho bệnh này. Tuy nhiên việc kiểm soát bệnh tốt có thể giúp ích cho tình trang bệnh và một số triệu chứng. Nếu nhận thấy mình bị mụn cóc sinh dục, bạn cần tránh quan hệ cho đến khi được điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện thói quen thăm khám nam khoa định kỳ để theo dõi và chẩn đoán kịp thời khi có dấu hiệu lây nhiễm HPV.
Tiếp Thị Gia Đình