Âm nhạc Việt Nam vừa bước qua cơn chếnh choáng hay đại hạn khi trong một thời gian ngắn đã phải tiễn biệt nhiều nhạc sỹ lớn danh tiếng, từ giáo sư – tiến sỹ Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân và mới đây nhất, trẻ nhất là nhạc sỹ An Thuyên.
GIÁO SƯ – TIẾN SỸ TRẦN VĂN KHÊ
Đam mê nhạc cổ truyền, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, giáo sư – tiến sỹ Trần Văn Khê, nguyên là giáo sư Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc Quốc tế UNESCO, có nhiều đóng góp lớn về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Thầy là cánh chim đầu đàn trong việc giới thiệu nét độc đáo, nguyên thủy của âm nhạc cổ truyền Việt với nhân loại. Tôi có dịp gần gũi thầy Trần Văn Khê nên biết thầy chuẩn bị cho việc ra đi của mình từ lâu, điều mà thầy nói đầy nỗi niềm là “quy luật đất trời”.
Đành rằng tuổi cao sức yếu nhưng cùng lúc nhiều nhạc sỹ rủ nhau về “cõi thiên thai” thì khó ai hình dung được. Riêng tôi, một nhà thơ, một người thuần túy làm công việc sáng tạo nghệ thuật, sự kiện này trượt ra khỏi đường biên phiêu lưu, viễn tưởng của tôi về cuộc đời và kiếp người nghệ sỹ.
Đây là mất mát qúa lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Nếu báo chí loan tin thầy Trần Văn Khê vào bệnh viện như điềm báo trước thì việc ra đi quá đột ngột của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân trong cùng ngày là không thể hình dung.
NHẠC SỸ PHAN HUỲNH ĐIỂU
Trước đó không lâu, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu còn tiếp đại diện của nhóm tứ tấu đàn dây Đức Besa Quartet, nhận đĩa tặng có tuyển ca khúc Thơ tình cuối mùa thu phổ thơ Xuân Quỳnh do nhóm trình bày từ một chương trình lớn ở Berlin.
Phan Huỳnh Điểu có nhiều ca khúc đi vào lòng người như Trầu cau – “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu”, được xem như nối dài trào lưu nhạc tiền chiến bất hủ. Từ đây, ông sáng tác nhiều ca khúc trữ tình cách mạng và được đánh giá cao ở biệt tài phổ thơ. Thuyền và biển, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm… từ thơ Xuân Quỳnh, Dương Hương Ly, Bùi Công Minh… như chắp thêm đôi cánh âm nhạc để bay vào tâm hồn người.
NHẠC SỸ PHAN NHÂN
Với nhạc sỹ Phan Nhân, người yêu nhạc không ai không biết ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đó là ca khúc đặc biệt của một nhạc sỹ miền Nam ra miền Bắc tập kết và viết rất hay về thủ đô. Sau này, bài hát Tình bạn già của ông viết tặng người bạn đời, nữ phát thanh viên Phi Điểu, như “vẫn nồng ấm tình nghĩa bao ngày qua”. Ấy vậy mà một buổi sáng tháng 6, bước chân phiêu du, tâm hồn nghệ sỹ đã dừng bước lãng tử.
NHẠC SỸ AN THUYÊN
Và đúng là ngột đắng, quá bất ngờ với sự ra đi của nhạc sỹ An Thuyên khi ông đang còn mạnh khỏe, sung mãn. Theo nhiều bạn bè tưởng tiếc, gần như An Thuyên không linh cảm gì về sự ra đi này. Ông vẫn hăng say làm việc với rất nhiều dự án, dự định. Khán thính giả Việt chắc khó quên các ca khúc của ông như Em chọn lối này, Ca dao em và tôi... như những điểm son trong âm nhạc đương đại Việt.
Một tháng đại hạn của âm nhạc Việt. Thật buồn! Tuy nhiên, tôi và các bạn vẫn nhìn thấy và tự an ủi một điều rằng, với những tình yêu, cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà, những sáng tác, công trình, nghiên cứu của các ông về âm nhạc từ truyền thống đến hiện đại sẽ còn sống mãi.
LỜI NHẠC CÒN MÃI
Kìa chú là chú ếch con có hai la 2 hai mắt tròn. Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan (nhạc sỹ Phan Nhân).
Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao (nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu).
Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ/ chặt đội câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng/ đưa tôi về, đưa tôi về với người tô yêu… (nhạc sỹ An Thuyên).
Mục Chuyện tuần này/Tiếp Thị Gia Đình