Hình ảnh protein SERINC5 được phát hiện trong tế bào
Dựa trên những nghiên cứu đã thực hiện, virus HIV được xác định mang một loại protein làm nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình lây lan mầm bệnh đến các tế bào trong cơ thể người. Lý giải chi tiết hơn, chuyên gia Federico Santoni, hiện đang giảng dạy tại Khoa Y học và Phát triển Di truyền của trường Đại học Geneva, cho biết khi virus HIV-1 nhân lên trong tế bào, chúng sử dụng protein mang tên “Nef” để trung hòa một loại protein đặc biệt có chức năng bảo vệ tế bào.
Vì vậy, các nhà khoa học liên tục nỗ lực tìm cách thức kiểm soát protein Nef và lời giải đáp cho câu hỏi tại sao một số tế bào dễ bị nhiễm HIV hơn so với những tế bào khác.
Mới đây, thông qua nghiên cứu về sự tương tác của 31 dòng tế bào khác nhau với protein Nef, họ đã phát hiện ra rằng SERINC5 là một màng protein có khả năng ức chế Nef và sự lây lan của virus HIV-1. Để thử nghiệm sâu hơn về loại protein ức chế lây nhiễm HIV này, họ đã tạo ra một chủng virus HIV thiếu protein Nef, nhưng có protein SERINC5. Nếu không có Nef, HIV có thể lây nhiễm vào tế bào như bình thường, nhưng khi bắt đầu tách ra từ các tế bào, chúng sẽ hòa với một số protein SERINC5. Một khi virus HIV tiếp cận một tế bào trong vòng lây nhiễm mới, SERINC5 sẽ ngay lập tức đưa ra các báo động, cảnh báo các tế bào về sự hiện diện của virus này, từ đó tạo cơ chế ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm xa hơn.
Virus HIV là chủng virus cực kỳ nguy hiểm, khiến những bệnh nhân bị lây nhiễm nếu không được chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang mắc hội chứng suy giảm miễn dịch AIDS và có nguy cơ tử vong rất cao.
Theo chuyên gia Santoni, giới khoa học cần phải tiếp tục xem xét kỹ lưỡng cơ chế phòng thủ này để đánh giá, khắc phục những lỗ hổng trong chiến lược điều trị HIV. Ngoài cách thức tăng cường sự hiện diện của protein ức chế lây nhiễm HIV – SERINC5 trong tất cả các tế bào, ta còn có thể thay đổi cấu trúc để kích hoạt nó thoát khỏi sự ức chế của Nef. Điều quan trọng nhất là nắm bắt được chính xác số lượng Nef và SERINC5 tương tác với nhau trong cơ thể, qua đó phát triển những phương pháp điều trị có khả năng kháng lại loại virus chết người này.
Nguồn TTXVN / Tiếp Thị Gia Đình