Khi trẻ có biểu hiện đau mắt đỏ, bạn nên cho con đến bác sỹ khám, không nên tự điều trị ở nhà
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tháng 7 có 240 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện, tháng 8 có 222 ca và chỉ mới 10 ngày của tháng 9 đã có 124 ca, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 1/2. Điều này cho thấy các ca bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng.
Đây là bệnh dễ lây do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus. Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt cũng dễ lây bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện chính là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm, mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt. Ghèn có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Nếu bị đau mắt đỏ kéo dài có thể gặp phải biến chứng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa, viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt. Do đó, nếu bị đau mắt đỏ, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám và điều trị. Không nên tự điều trị ở nhà.
Ngoài ra, bạn cần lau rửa ghèn ít nhất 2 lần một ngày bằng bông gòn, lau xong vứt bỏ.
∗Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
∗Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
∗Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
∗Nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.
∗Nếu trẻ bị đau mắt đỏ, bạn nên cho con nghỉ học, vì trường học là môi trường có tương tác lớn, nên rất dễ lây lan đau mắt đỏ.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, khi không có dịch, bạn cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng. Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt. Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không dùng tay dụi mắt.
Khi có dịch đau mắt đỏ, bạn rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý, ít nhất 3 lần/ngày. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
Tiếp Thị Gia Đình