Mở rộng quy mô doanh nghiệp, đã đến lúc chưa?

Khi cơ hội phát triển gõ cửa, bạn phải thực sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề và có quyết định đúng đắn. Bởi, việc mở rộng quy mô doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tốt đẹp như chúng ta vẫn tưởng

Sau khoảng thời gian khởi nghiệp, khi mọi thứ đi vào quỹ đạo và bước đầu đem lại lợi nhuận, nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ đến việc phát triển quy mô công ty, thay đổi đường hướng hoạt động hoặc mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Đó là điều tất yếu với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm nào và điều kiện ra sao để mở rộng quy mô doanh nghiệp là vấn đề phải được bàn tính kỹ lưỡng.

Với các start-up, việc mở rộng quy mô quá sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể khiến công ty đổ vỡ nhanh chóng. Trước khi bắt đầu kế hoạch “bành trướng”, bạn hãy tự chất vấn bản thân 3 câu hỏi mà chúng tôi đặt ra sau đây. Khi đã có được câu trả lời, chúng ta sẽ bắt đầu giải bài toán mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Tại sao bạn muốn mở rộng công ty?

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần nhìn lại một lần nữa mục tiêu và lý tưởng của mình cũng như công ty. Mục tiêu càng rõ ràng, lý tưởng càng thực tế, bạn càng dễ tìm thấy câu trả lời. Bản kế hoạch ngắn hạn 1, 3 và 5 năm hoặc dài hạn 10, 20 năm là điều hiển nhiên phải có khi bắt tay vào khởi nghiệp bất cứ lĩnh vực nào. Hãy chắc chắn rằng hiện tại, doanh nghiệp của bạn đã hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu đề ra trước khi nghĩ đến việc mở rộng quy mô.

mở rộng quy mô hình ảnh 1

Nếu như bạn chỉ nghĩ đơn giản rằng: “tôi muốn có thêm nhiều người cùng chung đam mê, nhiệt huyết để làm việc”, “công ty bây giờ bắt đầu kiếm được lợi nhuận nên cần phải mở rộng để gia tăng doanh thu” hay những suy nghĩ có phần cảm tính, không đi kèm một kế hoạch cụ thể thì e rằng việc mở rộng công ty lúc này có thể sẽ là một quyết định sai lầm. Quy mô ở đây không chỉ là số lượng nhân viên hay lĩnh vực kinh doanh, mà còn là chi phí, tiền thuê trụ sở, hạ tầng công nghệ thông tin, nội thất… tất tần tật mọi thứ.

Bạn muốn tiếp cận ai?

Tăng trưởng và mở rộng thị phần là một trong những chiến lược doanh nghiệp thường theo đuổi. Nếu lượng khách hàng cũ chưa tăng đột biến, khách hàng mới không dồn dập” tìm đến, bạn không nhất thiết phải bận tâm đến chuyện mở rộng công ty ngay lúc này. Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ đối tượng khách hàng trong kho dữ liệu và nhóm những khách hàng tiềm năng mà bạn đang muốn tiếp cận. Một số khách hàng tiềm năng có thể ngoài tầm với của doanh nghiệp bạn lúc ban đầu, nhưng với việc nghiên cứu và tìm ra vấn đề họ đang gặp phải, bạn hoàn toàn có thể chiếm trọn niềm tin của khách hàng.

Quay trở lại với câu hỏi trên, vấn đề đặt ra là bạn phải xác định được doanh nghiệp đang muốn nhắm đến khách hàng mới công ty hay mở rộng phân khúc khách hàng hiện tại. Nhưng dù khách hàng là ai, doanh nghiệp của bạn phải luôn nổi bật ở những mặt tích cực, tạo sự tin cậy và trở thành chuyên gia trong mắt họ.

Mở rộng công ty sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

Câu hỏi này chứa nhiều câu hỏi nhỏ và vô số vấn đề cần giải quyết triệt để. Nếu mở rộng quy mô thì cơ cấu hiện tại của công ty có đủ năng lực để quản lý? Một khi cần thêm nhân sự cho bộ máy, bạn sẽ phải đối diện với gánh nặng chi phí, quản lý, điều phối… Những vấn đề trên cần phải được suy tính thật kỹ lưỡng. Bạn cũng cần phải tính toán lại khả năng cầm cự của doanh nghiệp để duy trì bộ máy mới trong trường hợp chẳng may rơi vào giai đoạn khó khăn.

cach-mo-rong-quy-mo-kinh-doanh-hinh-anh-shutterstock-638976661

Có nhiều cách để phát triển công ty. Mở rộng quy mô chỉ là một trong số đó. Với tư cách là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để lựa chọn phương án phát triển phù hợp với từng giai đoạn nhất định. Trước muôn vàn áp lực về doanh số, chăm sóc khách hàng, kiểm định chất lượng… khi chưa sẵn sàng, đừng để vấn đề về nhân sự, điều phối, chi phí khiến đôi vai thêm trĩu nặng. Đây là lý do mà nhiều công ty trên thế giới sụp đổ sau mỗi lần mở rộng quy mô.

5 dấu hiệu công ty đã sẵn sàng để mở rộng quy mô

Bạn đã có một đội ngũ cộng sự tinh nhuệ

Ngoài các nhà lãnh đạo giỏi, điều quan trọng là công ty phải có đội ngũ cộng sự hợp ý, nhân viên tâm huyết và giàu kinh nghiệm. Khi đã hội tụ những yếu tố này, bạn đã sẵn sàng để mở rộng quy mô.

Khách hàng đang tự tìm đến với bạn

Khi số lượng khách hàng mới tự tìm đến doanh nghiệp thông qua các kênh quảng bá tăng dần, đó là dấu hiệu nhận biết sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc bạn buộc phải hành động để đáp ứng sự tăng trưởng đó.

cach-mo-rong-quy-mo-kinh-doanh-hinh-anh-shutterstock-670922371

Bạn đánh giá được thực trạng của công ty ở hiện tại

Hơn ai hết, bạn là người phải nắm rõ tình hình của công ty về mọi mặt, bao gồm cả lợi ích kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực hiện có. Nếu mọi thứ đã sẵn sàng để mở rộng, hãy cân nhắc đến bước đi tiếp theo.

Bạn có sẵn nguồn vốn dồi dào

Mở rộng công ty có thể khiến nguồn vốn thâm hụt nghiêm trọng. Khi chi phí cần tăng cường cho bộ máy mới to lớn hơn, bạn sẽ mất một khoảng thời gian để thiết lập cũng như thu lại cả vốn lẫn lời. Do đó, nếu không dự trữ sẵn vốn, bạn dễ rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau.

Bạn đang đạt được mục tiêu đã đề ra

Khi các kế hoạch kinh doanh đề ra đều thu lại kết quả mỹ mãn, đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang khởi sắc. Để tiếp tục đà tăng trưởng đó, bạn cần phải mở rộng quy mô để hướng đến những thành quả to lớn hơn.

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua