Cư xử chuyên nghiệp khi bị sa thải

Bạn sẽ làm gì nếu có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty giữa thời buổi khó khăn?

Bất cứ ai cũng không mong muốn rơi vào trường hợp bị sa thải. Đó quả là một trải nghiệm vô cùng tồi tệ. Nhiều người bị sốc và phản ứng theo kiểu thù địch, chửi bới hay khóc lóc, van nài… Tuy nhiên, tất cả những điều ấy đều không mang lại tác dụng tích cực nào, thậm chí nó còn ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của bạn. Các chủ doanh nghiệp thường xuyên phải đưa ra quyết định như vậy khi công ty gặp khó khăn, khi bạn không đủ năng lực hay không còn phù hợp với công việc.

Dù với bất cứ lý do nào, phản ứng thái quá cũng chỉ khiến chính bạn bị tổn thương mà thôi. Vậy tại sao bạn không rời công ty một cách nhẹ nhàng và để lại ấn tượng đẹp? Bạn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn những gì đã mất đấy!

THUẬN LỢI KHI XIN VIỆC MỚI

20151110-cu-xu-chuyen-nghiep-khi-bi-sa-thai-04Khi bạn phỏng vấn xin việc khác, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi về công việc trước kia. Thậm chí, họ có thể đề nghị được trao đổi với cấp trên cũ của bạn. Lúc này, bất kỳ lời bình luận nào của sếp cũ về bạn cũng vô cùng giá trị và có trọng lượng. Nếu sự ra đi của bạn để lại ấn tượng đẹp, bạn là một người đáng yêu, họ sẽ không tiếc lời khen bạn.

DANH TIẾNG

20151110-cu-xu-chuyen-nghiep-khi-bi-sa-thai-02Trái đất này vô cùng nhỏ bé. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực chỉ như một thị trấn nhỏ. Nó chứa rất nhiều tin đồn và cả những bí mật. Nếu sau khi nghỉ việc, bạn châm ngòi cho ngọn lửa thù hằn, mâu thuẫn lan tỏa thì mọi người sẽ nhìn bạn là một người nóng tính, thậm chí xấu bụng. Đó là điều không tốt cho sự thăng tiến của bạn sau này.

SỰ TRỞ VỀ

Có thể một ngày nào đó, bạn sẽ quay lại chỗ làm cũ. Nếu bực tức ra đi, bạn đã đóng lại cánh cửa cơ hội này mãi mãi. Chưa kể, việc giữ mối liên hệ tốt với đồng nghiệp cũ sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội có việc mới hơn.

CƯ XỬ SAO CHO ĐẸP?

20151110-cu-xu-chuyen-nghiep-khi-bi-sa-thai-01

Kết thúc một công việc không có nghĩa mọi cánh cửa đều đóng lại. hãy luôn hy vọng cánh cửa khác sẽ mở ra

1. Giữ bình tĩnh: Bạn thấy thật khó giữ được bình tĩnh vì rõ ràng việc bị sa thải là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Thực tế, đây là vấn đề có sự liên quan tới người khác. Cấp trên hoặc người trực tiếp ra quyết định này cũng cảm thấy không hề dễ dàng.

2. Đừng tranh cãi: Một khi quyết định đã đưa ra, rất khó để thay đổi. Nếu bạn tìm mọi cách để ở lại, liệu bạn sẽ có những ngày làm việc thoải mái sau này không? Hãy lắng nghe và nhẹ nhàng yêu cầu giải thích, đừng phản ứng thái quá, đừng tranh cãi gay gắt.

3. Đừng van nài: Việc bị sa thải không hề làm mất đi phẩm giá và sự tự tôn của bạn. Sự van nài mới làm mất đi điều đó. Hãy nghĩ tích cực như thế này: Cơ hội này đóng lại sẽ mở ra những cơ hội tốt hơn cho mình. Vì thế, hãy chấp nhận.

4. Yêu cầu giải thích chi tiết và nhận bằng văn bản: Khi bị sa thải, bạn có quyền được giải thích cụ thể nguyên nhân vì sao. Bạn hãy thể hiện sự chuyên nghiệp bằng cách yêu cầu sếp giải thích cụ thể bằng văn bản. Nó có thể hữu dụng khi bạn xin việc làm mới.

5. Kiểm tra kỹ mọi thứ trước khi ký: Nếu việc chấm dứt hợp đồng của bạn có liên quan đến thỏa thuận không cạnh tranh, bảo mật… bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư trước khi đặt bút ký. Những tài liệu này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn.

6. Nhờ giúp đỡ: Đây là thời điểm để bạn hỏi những thứ liên quan và cần thiết cho mình trên chặng đường sau này. Bạn có thể hỏi cấp trên rằng anh ấy/cô ấy có biết công việc nào phù hợp với bạn không? Họ đánh giá về bạn thế nào?… Từ đó, bạn sẽ có hướng thay đổi phù hợp và tốt hơn.

7. Tỏ lòng biết ơn: Bạn sẽ không mất gì khi nói lời cảm ơn, cảm ơn vì đã cho bạn cơ hội, đã hướng dẫn bạn… Cấp trên sẽ có ấn tượng tốt về bạn. Bị sa thải không bao giờ là dễ chịu và việc thực hiện theo những hướng dẫn này cũng có thể không giúp bạn thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng rất nhiều thương nhân, những người thành công, ngay cả Steve Jobs cũng từng bị sa thải. Hãy xem đây là lúc để bạn tìm đến cánh cửa của cơ hội mới.

Bài: CAO ĐẠT

Mục Kỹ năng / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua