Gần 2 triệu ca nhiễm trên toàn cầu
Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Khoa học Hệ thống và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), toàn cầu đã ghi nhận gần 2 triệu người nhiễm Covid-19 (1.925.224). Trong đó có 119.702 ca tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Tổng cộng có 577.307 ca nhiễm bệnh, 23.219 ca tử vong tại Mỹ. New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch với 195.749 ca. Trong đó 10.058 ca tử vong. Riêng thành phố New York đã ghi nhận tới 7.349 ca tử vong.
Tại châu Âu, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Số ca tử vong tại Italy đã vượt 20.000. Tổng số ca nhiễm bệnh lên tới gần 160.000.
Tây Ban Nha đã vượt Italy, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Tổng cộng có 169.628 ca dương tính. Trong đó có hơn 17.628 ca tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tại Pháp và Anh cũng đang tiếp tục tăng mạnh.
WHO xác nhận Covid-19 nguy hiểm gấp 10 lần cúm H1N1
Với số ca nhiễm và tử vong được thống kê ở trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận hôm 13/4 tại cuộc họp báo ở Geneva rằng Covid-19 nguy hiểm gấp 10 lần so với dịch cúm lợn H1N1 vào năm 2009. WHO cũng cảnh báo các quốc gia không nên dỡ bỏ phong tỏa quá sớm. Và vắc xin là cách duy nhất để thực sự ngăn chặn virus.
Theo The Lancet, đại dịch cúm lợn năm 2009 đã khiến 18.500 người tử vong. Tuy nhiên, con số thực sự có thể cao hơn. Từ 151.700 đến 575.400 người.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, ở một số quốc gia, số ca bệnh tăng gấp đôi cứ sau ba đến bốn ngày. Dịch bệnh gia tăng rất nhanh nhưng giảm xuống chậm hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là các biện pháp chống dịch phải được dỡ bỏ từ từ và có kiểm soát.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: AP