Chúng ta đang ở giữa đại dịch Covid-19. Những người từng dương tính với virus này có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau sau khi khỏi bệnh. Bên cạnh khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, mất khứu giác, đau ngực, loạn nhịp tim… Rất nhiều người từng mắc Covid-19 cho biết họ gặp phải tình trạng rụng tóc trầm trọng.
Vì sao Covid-19 lại khiến rụng tóc?
Một nghiên cứu tiến hành tháng 11/2020 đã điều tra các triệu chứng khởi phát muộn của Covid-19 ở một nhóm nhỏ gồm 58 người tham gia. Trong đó, có 14 người (24,1%) báo cáo là bị rụng tóc.
Thời gian trung bình từ khi họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng Covid-19 đến khi rụng tóc là 58,6 ngày. Vài tháng sau đó, hiện tượng này đã được giải quyết ở 5 người, và 9 người còn lại vẫn bị tình trạng rụng tóc quấy nhiễu.
Rụng tóc xuất hiện sau Covid-19 liên quan đến một tình trạng có tên là Telogen Effluvium (TE). Những người bị TE cho biết họ bị rụng tóc đột ngột. Tóc thường rụng thành từng nhúm lớn, nhiều nhất là khi chải đầu hoặc gội đầu. Người ta ước tính khoảng 1/3 bệnh nhân Covid-19 bị rụng tóc. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
Hầu hết những người phát triển TE đều bị rụng tóc rõ rệt từ 2–3 tháng kể từ khi khởi phát những triệu chứng Covid-19 đầu tiên. Tình trạng này kéo dài từ 6–9 tháng. Sau khoảng thời gian đó, đa số mọi người đều nhận thấy những mảng tóc đã mất sẽ mọc trở lại. Chỉ một phần nhỏ bị rụng tóc lâu hơn, có khi lên đến trên một năm.
Vậy, rụng tóc có liên quan gì với Covid-19?
Các chuyên gia lý giải rằng, một trong những tác nhân tiềm ẩn đối với TE là bệnh cấp tính kèm theo sốt. Những người nhiễm SARS-CoV-2 thường bị sốt, ho, khó thở. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể người bệnh đang bị virus làm cho yếu đi. Gây ra các di chứng kéo dài (trong đó có rụng tóc) dù virus đã bị đẩy lùi chỉ vài ngày sau đó.
Căng thẳng là một nguyên nhân tiềm ẩn khác đối với TE. Những người nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 hầu hết đều có chung cảm giác lo âu, căng thẳng thậm chí trầm cảm. Đây là cơ hội để TE tìm đến. Cụ thể, tóc có các giai đoạn phát triển khác nhau. TE xảy ra khi một tác nhân gây căng thẳng khiến một lượng lớn tóc ngừng phát triển và chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi (telogen).
Trong giai đoạn telogen, các sợi lông nghỉ ngơi từ 2-3 tháng trước khi rụng khỏi da đầu để tạo điều kiện cho tóc mới mọc lên. Đây là lý do tại sao rụng tóc do TE xảy ra rất lâu sau khi bệnh nhân khỏi Covid-19.
>> Xem thêm: 3 “thủ phạm” gây rụng tóc giữa mùa dịch, bạn đã biết?
Chăm sóc để tóc nhanh mọc lại
Kiểm soát căng thẳng
Bạn đã biết căng thẳng là tác nhân tiềm ẩn gây rụng tóc, vậy hãy học cách kiểm soát để những sợi tóc không tức tưởi “ra đi”. Phân bổ thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp stress không còn hiện diện trong cuộc sống của bạn.
Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng
Tóc khỏe từ trong khỏe ra. Muốn có mái tóc dày, trước tiên bạn cần chăm sóc tóc từ gốc bằng cách tuân thủ chế độ ăn đủ nhất, đặc biệt tăng cường các dưỡng chất kích thích tóc nhanh mọc như protein, biotin, vitamin nhóm B, vitamin D, E và omega-3.
Massage da đầu
Việc làm này sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến da đầu. Đồng thời tăng cường sức mạnh chân tóc cũng như giúp chất dinh dưỡng đến nang tóc nhanh hơn.
Ủ tóc với lòng đỏ trứng
Trứng chứa lecithin và protein, giúp tăng cường, nuôi dưỡng và chữa lành tổn thương ở các sợi tóc. Để làm hỗn hợp ủ tóc, bạn trộn 2 quả trứng với 2 thìa dầu ô liu. Thêm 1/2 cốc nước để làm loãng hỗn hợp. Thoa trực tiếp lên tóc khô và giữ trong 30 phút. Sau đó, gội đầu và xả dưỡng như bình thường.
Tránh xa thuốc lá
Thuốc lá là tác nhân hạn chế lưu lượng máu đến da đầu và các nang tóc. Từ đó hạn chế oxy và chất dinh dưỡng quan trọng mà tóc và da đầu cần để duy trì vẻ khỏe mạnh.
Hạn chế sấy và tạo kiểu tóc
Máy sấy và các loại máy tạo kiểu bằng nhiệt khiến tóc khô và dễ gãy, có thể dẫn tới gãy và rụng tóc. Vì thế tốt nhất nên để khô tóc tự nhiên sau mỗi lần gội. Tránh dùng nhiệt để tạo kiểu tóc trong thời gian dưỡng lại tóc.
Tiếp Thị Gia Đình