Đậu đũa thường có mặt trong các bữa ăn thường ngày, quen thuộc với người dân Việt Nam. Người ta không chỉ chế biến đậu đũa thành những món ăn thơm ngon, lạ vị mà còn dùng chúng như một vị thuốc tốt.
Bên cạnh quả, các bộ phận khác của cây đậu đũa đều có công dụng chữa bệnh rất hữu hiệu. Vị thuốc làm từ đậu đũa thường lành tính và dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng cũng như tình trạng bệnh.
RẺ TIỀN NHƯNG GIÀU DƯỠNG CHẤT
Vì thuộc họ nhà đậu nên đậu đũa rất giàu protein thực vật. Bên cạnh đó, đậu đũa cũng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như ka-li, can-xi, ma-giê, phốt-pho, sắt, natri, kẽm, đồng, mangan và selen.
Đậu đũa là một trong những loại thực vật thanh đạm, an toàn vì trong 100g đậu đũa chỉ có 44 calorie và cũng chỉ có khoảng 3 calorie từ chất béo, ít hơn rất nhiều so với một số loại đạm thực vật khác. Do đó, đậu đũa rất có ích cho những bệnh nhân có tiền sử về tim mạch. Ngoài ra, những đối tượng muốn giảm cân cũng có thể dùng đậu đũa đều đặn trong thực đơn ăn kiêng.
Trung bình trong một bữa ăn, đậu đũa cung cấp khoảng 17% vitamin A, 2% sắt, 31% vitamin C, 0mg cholesterol và 5% can-xi nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Ngoài ra, đậu đũa còn giúp cơ thể bổ sung các vitamin và dưỡng chất khác, cụ thể như vitamin B, B6, riboflavin, niacin, a-xít pantothenic, folate…
ĐA NĂNG NHƯ ĐẬU ĐŨA
Theo kinh nghiệm dân gian của nhiều nước ở châu Phi, những món ăn chế biến từ đậu đũa có thể giúp điều trị các loại bệnh đường ruột, giun sán. Báo cáo từ năm 1989 đã ghi nhận đậu đũa có tác dụng trong việc điều trị chứng đầy hơi và bụng trướng. Chúng còn giúp giảm các tác động không tốt có thể có trong quá trình nấu ăn bằng nồi áp suất, hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Không những thế, rễ, lá, hạt đậu đũa còn dùng để chữa các chứng tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát, thận hư di tinh, đái đục, tiểu tiện nhiều lần và phụ nữ bị khí hư bạch đới.
Nghiên cứu đã cho thấy, đậu đũa chứa những protein có khả năng ức chế một số loại nấm và vi-rút lây bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, đậu đũa còn có tác dụng giúp duy trì mức cholesterol chuẩn, trung hòa gốc tự do, điều hòa mức đường huyết.
Với phụ nữ, hàm lượng protein có trong đậu đũa rất hữu ích trong việc giúp duy trì làn da mượt mà. Cùng với thành phần giàu chất chống ô-xy hóa, đậu đũa còn có khả năng hạn chế các vết nhăn và những đốm nâu trên da.
CÁC BÀI THUỐC
Chữa di tinh, thận hư: Chuẩn bị 100g hạt đậu đũa tươi hoặc 30g hạt đậu đũa khô, 100g gạo tẻ, 8—9 quả táo tàu. Bạn cho tất cả nguyên liệu vào nồi và nấu nhừ thành cháo. Trước mỗi bữa cơm, bạn ăn một bát, duy trì liên tục cho đến khi khỏe hẳn thì thôi.
Chữa mụn nhọt: Chuẩn bị một nắm tay vừa rễ cây đậu đũa, bạn có thể giã nát hoặc nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố thành hỗn hợp hơi nhão rồi đắp trực tiếp lên vết thương, để từ 15 đến 20 phút cho đến khi nước rút hết. Thực hiện đều đặn sẽ giúp vết thương mau tiêu mủ, lành miệng và lên da non.
Chữa bụng trướng ăn vào không tiêu: Chuẩn bị 100—150g đậu đũa non còn nguyên vỏ, sau đó bạn rửa sạch và chần qua với nước sôi cho đến khi hơi mềm. Bạn tiếp tục thái nhỏ và nêm nếm lại với các loại gia vị cho vừa ăn. Dùng thay món canh hoặc món xào trong bữa cơm hàng ngày.
Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ: Bạn chuẩn bị khoảng 30g rễ cây đậu đũa đã rửa sạch. Sau đó, bạn tiếp tục nghiền thành bột mịn hoặc xay nhuyễn với máy xay sinh tố. Cuối cùng, bạn lấy hỗn hợp này hấp với trứng gà, nêm nếm gia vị vừa ăn và cho bé dùng đều đặn mỗi bữa. Bài thuốc sẽ giúp trẻ kích thích vị giác, tăng cảm giác thèm ăn.
Nguyên Khánh
Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình