Cộng đồng LGBT trước kỳ quốc hội về quyền chuyển đổi giới tính

Dự kiến tháng 7–2016, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề pháp lý liên quan đến người chuyển giới, sau khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính đối với người chuyển giới

Những ngày đầu tháng Tư, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình gặp một vài trường hợp trong cả ngàn phận người lâm cảnh “thân sâu, hồn bướm” vốn là những bạn trẻ chuyển giới, người có mong muốn giới tính khác với giới tính lúc sinh ra. Tính đến nay, gần năm tháng sau khi Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính và chỉ còn ba tháng nữa, vào nhiệm kỳ quốc hội tới, dự kiến 7–2016, sẽ bàn tiếp đến luật liên quan đến nội dung này.

Các vấn đề đó cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới. Yêu cầu đặt ra là luật có quy định hạn chế, quy định cấm để những thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ lụy của chuyển giới mà làm theo phong trào thì rất nguy hiểm. Khi giờ G đã cận kề, liệu những quy định này sẽ tác động thế nào và ảnh hưởng ra sao đối với tâm lý những bạn trẻ chuyển giới đang mong đời mình bước sang trang mới?

NHỮNG PHẬN NGƯỜI CHỜ PHÉP MÀU 

Nguoi chuyen gioi va quyen chuyen doi gioi tinh hinh anh 2

La Lam vui mừng khi Quốc hội hợp thức hóa quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam

Phải khổ sở giấu nhẹm giới tính suốt nhiều năm nay, mới đây nghe tin pháp luật công nhận quyền chuyển giới tại Việt Nam và rồi sẽ có thêm những quy định ưu ái cho người chuyển giới, cậu bé La Lam vui mừng trước phép màu đang đến. Sinh ra trong gia đình thuần nông tại Yên Bái, từ nhỏ, cậu bé La Lam đã thích khoác lên mình trang phục con gái.

Đến năm học lớp 6, lần rung động đầu đời đã cho Lam biết giới tính của Lam không nằm trong hình hài đã được sinh ra. Lam hay bị bạn bè trêu chọc, ném bóng, cầu vào người, thậm chí đuổi đánh. Suốt những năm học phổ thông, Lam chỉ làm bạn với hòn đá bên bờ suối hoặc khi buồn Lam thường trèo lên nóc nhà ngồi khóc. Đau khổ, bế tắc và cô độc, có lần Lam tính tự vẫn nhưng người thân đã ngăn cản kịp thời. Cuộc sống chỉ thay đổi khi Lam thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ban đầu, Lam được xếp vào ký túc xá nam. Song không lâu sau, Lam buộc phải chuyển phòng vì không chịu nổi sự kỳ thị. Phòng ở hiện tại của Lam thật đặc biệt: có ba anh dị tính, một chàng gay và một bạn chuyển giới giống Lam. Cả phòng coi Lam là em út. Sau hơn hai mươi năm sống trong hình hài của con trai, giờ đây Lam đã trang điểm, để tóc dài, mặc áo dài, sải bước thành thục trên đôi giày cao gót đi ra đường mặc dù hiện tại Lam chưa làm phẫu thuật chuyển giới.

Sau khi Quốc hội hợp thức hóa quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, khát khao được trở thành một người con gái trong Lam càng trỗi dậy. Lam dự định khi đi làm sẽ tích cóp tiền để phẫu thuật chuyển giới. “Nhiều đêm, tôi mơ thấy phải băng qua đồng cỏ đang rực cháy. Chạy qua được cánh đồng đó, tôi sẽ biến thành con gái. Tôi biết cuộc phẫu thuật trong tương lai cũng khó khăn, đau đớn giống như thế, nhưng tôi sẽ thực hiện để trở thành con gái thực thụ”, La Lam nói.

HÀNH TRÌNH “CÃI MỤ”

Nguoi chuyen gioi va quyen chuyen doi gioi tinh hinh anh 3

Ánh Phong sẽ làm lại giấy tờ cho “khớp” với người

Ánh Phong (sinh năm 1988, Quảng Ngãi) dễ gây thiện cảm bằng lối ăn nói nhỏ nhẹ và đôi mắt biết cười, má lúm đồng tiền duyên dáng. Phong đã có hành trình gian nan để hạnh phúc. “Hơn chục năm trước khi phẫu thuật chuyển giới, đêm nào tôi cũng khóc. Tôi mang hình hài con trai, nhưng tâm tư lại là của con gái. Mỗi khi điền vào mục giới tính khi làm giấy tờ hành chính, tôi cứ có cảm giác như đang phản bội chính mình. Tôi từng nghĩ: Hay cứ sống trong vỏ bọc hết kiếp này?”, Phong nói. Phong rất buồn khi có người trêu: “Lấy vợ đi” bởi Phong hiểu rõ: “Mình là con gái, làm sao lấy vợ được”. Mãi đến năm thứ ba học Đại học Sân khấu – Điện ảnh (Hà Nội), Ánh Phong mới tiết lộ giới tính thật và bày tỏ ý định chuyển giới với ba mẹ và các chị gái.

Gia đình phản ứng dữ dội và Phong buộc phải dùng “chiến thuật” mưa dầm thấm lâu. Cho đến một ngày, Phong mạnh dạn nói: “Má buồn, con sẽ buồn. Nhưng dù má buồn thì con vẫn quyết định phẫu thuật chuyển giới. Má vui cho con vui, để con có thêm động lực phẫu thuật”. Ba của Phong nói: “Đời người sống không bao lâu. Dù con là trai hay gái thì hãy cứ sống thế nào con cảm thấy hạnh phúc, sống có ích cho xã hội, đừng làm điều gì khiến gia đình, xã hội xấu hổ”.

Trước khi phẫu thuật, Ánh Phong có một năm bổ sung nội tiết tố nữ và suy ngẫm kỹ càng. Phong cũng rất lo lắng, sợ chết trên bàn phẫu thuật. Song khi tìm hiểu thông tin việc chuyển giới và chuẩn bị đủ điều kiện, phân vân giữa được và mất, đau đớn thể xác hay đau tinh thần, dù được sống một ngày là con gái cũng là niềm hạnh phúc, cuối tháng 4–2013, Ánh Phong sang Thái Lan tiến hành cuộc đại phẫu của đời mình. Phong may mắn sở hữu thân hình thon gọn nên chỉ cần phẫu thuật vùng kín. Sau phẫu thuật, Phong còn phải tiến hành nong âm đạo thường xuyên. “Chuyện đó đau đớn vô cùng, giống như việc hàng ngày bạn cào cấu vào một vết thương chưa lành”, Phong nhớ lại.

Ngay khi quyền chuyển đổi giới tính được công nhận tại Việt Nam, Ánh Phong đã khóc vì cảm giác được hồi sinh lần nữa, cả thể xác lẫn tinh thần. “Bởi lúc Quốc hội chưa thông qua luật, dù đã phẫu thuật chuyển giới nhưng Phong gặp nhiều khó khăn khi đi máy bay, đi tàu hay thuê nhà trọ vì giấy tờ và người thật không khớp”, Phong nói. Phong dự định khi luật này chính thức đi vào cuộc sống, năm 2017, cô sẽ làm lại giấy tờ tùy thân để thật sự là một người con gái bình thường, được nhà nước bảo vệ và xã hội sẽ không còn kỳ thị người chuyển giới.

Với quy định mới, một bộ phận người chuyển giới vẫn chưa được hưởng quyền lợi

Tháng 11—2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tại Điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Như vậy, quy định này chỉ có hiệu lực với người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Một bộ phận người chuyển giới không muốn phẫu thuật chuyển giới gần như chưa được hưởng quyền lợi. Đó chính là băn khoăn của họ.

THÔNG TIN THÊM

Nguoi chuyen gioi va quyen chuyen doi gioi tinh hinh anh 4

• Tại Việt Nam, ước tính có khoảng hơn 270.000 người chuyển giới
• Khảo sát một địa điểm phẫu thuật chuyển giới giá rẻ phổ biến tại Thái Lan cho thấy: với người chuyển từ nam sang nữ, trung bình 2 ngày lại có một người Việt Nam làm phẫu thuật chuyển giới toàn bộ. Chuyển giới một phần trung bình 3 người/ngày. Ước tính chỉ trong một phạm vi nhỏ, có trên 1.200 người/năm sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
• Ông Nguyễn Trường Nam, Giám đốc Cơ sở dữ liệu Bộ Y tế, cho biết: “Với tiến bộ y học ở Việt Nam và sự thành công của những cuộc phẫu thuật xác định lại giới tính cho trẻ chưa rõ ràng giới tính, tôi tin phẫu thuật chuyển giới trong nước sẽ rẻ hơn các nước lân cận. Trước mắt, chúng ta cần hành lang pháp lý, quy định cụ thể và gắn trách nhiệm với từng đơn vị để bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới”.

Giám đốc chương trình Quyền LGBT, Viện nghiên cứu xã hội, Kinh Tế và Môi trường (iSEE)

• Những ai được quyền chuyển đổi giới tính?
Luật mới có hai điều riêng biệt: Xác định lại giới tính (Điều 36) với người sinh ra không rõ ràng là nam hay nữ và Chuyển đổi giới tính (Điều 37) áp dụng với người muốn thay đổi giới tính bẩm sinh.

Sau khi phẫu thuật chuyển giới sẽ được thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Sau khi phẫu thuật, người chuyển giới được đăng ký đổi tên, giới tính.

• Người chưa phẫu thuật chuyển giới hoặc chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hormone) có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Việc đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người đã thay đổi giới tính. Quy định mới chưa định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận là “đã chuyển đổi giới tính” toàn phần hay một phần. Còn hơn 8 tháng nữa bộ luật mới có hiệu lực, đây sẽ là thời gian chuẩn bị trước khi chính thức thống nhất áp dụng.

Theo quy định từ ngày 1—1—2017, người chuyển giới có thể phẫu thuật chuyển giới?
Có thể! Song sẽ phải có một luật về chuyển đổi giới tính, cụ thể hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục và hướng dẫn thi hành. Đây là lý do chúng ta vận động để người chuyển giới đã được thừa nhận quyền và để quyền này không bị “treo”.

Bài: Thu Hà

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua