Cơn nóng giận nguy hiểm hơn bạn nghĩ
Tiến sỹ Laura Kubzansky thuộc Đại học Havard cho rằng những cơn nóng giận quá mức sẽ khiến khả năng bị cao huyết áp, đau tim, đột qụy là rất cao. Nghiên cứu cho thấy người hay giận dữ có khả năng mắc bệnh tim cao hơn người bình thường đến 19%.
Các bác sỹ tâm thần học giải thích cơn nóng giận và những cảm xúc tiêu cực khiến cơ thể bước vào trạng thái “đánh hay chạy”, để chuẩn bị cho việc chống lại kẻ thù hoặc chạy trốn, tự động sản sinh những hormone stress như adrenaline và cortisol làm tăng nhịp tim, khiến hơi thở gấp gáp hơn.
Cùng lúc đó, lượng đường tăng lên để nạp thêm năng lượng cho cơ bắp, đồng tử mắt giãn to để cũng cố tầm nhìn và phổi tự động co thắt để lấy thêm ô-xy. Đó cũng là lý do vì sao ta thường cảm thấy đầy năng lượng khi nóng giận hoặc sợ hãi. Những phản ứng này là hoàn toàn bình thường và sau khi cơn nóng giận qua đi, cơ thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng khi chuyện này diễn ra quá thường xuyên sẽ khiến tim làm việc quá tải, gây giãn và nứt thành động mạch.
Dù bạn vẫn ứng xử bình thường nhưng cơn nóng giận tiềm ẩn bên trong vẫn có khả năng làm yếu đi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bạn kiềm nén cơn nóng giận cũng giống như lon nước đầy ga, khi nổ tung sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Miami, Mỹ, đã quan sát 61 bệnh nhân ung thư và đánh giá xem những cảm xúc tiêu cực có ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của hệ miễn dịch chống lại tế bào bệnh hay không. Kết quả cho thấy người kiểm soát và biết cách “xả” đi cơn nóng giận có hệ miễn dịch mạnh hơn hẳn, nhiều khả năng vì mức độ stress của họ thấp hơn.
Một nghiên cứu khác cũng cho biết thêm, nếu cơ thể sản sinh quá nhiều hormone stress khi tức giận, như cortisol, chúng sẽ ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của hệ miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm. Cortisol còn khiến cytokines, một chất thúc đẩy cơ thể tự lành bệnh mất hiệu quả, làm các thương tổn mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Vì thế, lần tới khi cơn nóng giận bùng phát, bạn hãy hít thở thật sâu, đừng kiềm nén mà hãy nói cho đối phương biết cảm xúc của mình và học cách kiểm soát chúng.
Tiếp Thị Gia Đình