Con đường sinh sôi của vi khuẩn trên thực phẩm

Giống như chúng ta, vi khuẩn cũng cần thức ăn để tồn tại và sinh sôi. Vì vậy, nếu bạn tích trữ thực phẩm, hãy sẵn sàng đối phó với sự phát triển của vi khuẩn

vi khuẩn sinh sôi

Vi khuẩn nào có hại cho hệ tiêu hóa? Ảnh: Shutterstock

Việc vi khuẩn sinh sôi, chúng không chuộng môi trường có tính axít cao. Cho nên, các loại thực phẩm có đặc tính này, chẳng hạn như chanh và giấm, không phải lựa chọn lý tưởng của chúng. Thay vào đó, chúng cực kỳ ưa thích các loại thực phẩm trung tính đến axít nhẹ. Ví dụ như rau, thịt và một số loại trái cây.

Các loại vi khuẩn thường gặp

Campylobacter: là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong thực phẩm tươi sống. Nó rất dễ lây lan từ thực phẩm này sang thực phẩm khác. Các loại thực phẩm dễ nhiễm loại vi khuẩn này là sữa, thịt gia cầm, trái cây và rau quả chưa được xử lý.

Listeria monocytogenes: là một loại vi khuẩn phổ biến khác. Các loại thực phẩm thường bị nhiễm khuẩn này là thịt và rau chưa nấu chín kỹ; sữa chưa được xử lý; một số loại phô mai, thịt chế biến sẵn và hải sản hun khói.

Salmonella: thường được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Bao gồm thịt, sữa, phô mai và trứng. Tuy nhiên, bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể bị nhiễm Salmonella; nếu chúng tiếp xúc với thực phẩm bị ô nhiễm khác.

Staphylococcus aureus: là loại vi khuẩn phổ biến thường sinh sôi trong thực phẩm. Nó được truyền từ người mang vi khuẩn đến bất kỳ loại thực phẩm nào mà người đó tiếp xúc. Nó cũng được tìm thấy trong các sản phẩm sữa và phô mai chưa qua xử lý.

Vi khuẩn khiến bạn rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Vi khuẩn sinh sôi thế nào?

Vi khuẩn không phát triển giống như động vật hay con người. Chúng lấy chất dinh dưỡng và sinh sản bằng cách phân chia. Một vi khuẩn phân tách và trở thành hai vi khuẩn, hai trở thành bốn, bốn trở thành tám và cứ thế tiếp tục sinh sôi.

Quá trình vi khuẩn sinh sôi có thể diễn ra nhanh hơn nếu gặp đủ các điều kiện thuận lợi như:

– Đủ chất dinh dưỡng: thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao bao gồm thịt sống và chín; sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến sẵn, các loại rau tươi sống…

– Nhiệt độ thích hợp: vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển và nhân lên nhanh nhất trong vùng nhiệt độ nguy hiểm từ 5–60°C.

– Độ ẩm thích hợp: thực phẩm khô hoặc hút chân không ít có khả năng thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi.

– Độ axit thích hợp: môi trường trung tính hoặc axit nhẹ.

Trong điều kiện lý tưởng, nhiều loại vi khuẩn có thể tăng gấp đôi cứ sau 20 phút. Có khả năng, một vi khuẩn sẽ nhân lên hơn 30.000 trong 5 giờ; và hơn 16 triệu trong 8 giờ. Thời gian xâm nhập của vi khuẩn càng dài; thực phẩm càng bị hư hỏng nhanh chóng, gây bệnh cho những ai lỡ ăn phải chúng.

Do đó, kiểm soát các điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng của vi khuẩn chính là cách hiệu quả để ngăn ngừa mối nguy của an toàn thực phẩm.

Vi khuẩn E.coli xuất hiện trong rau sống. Ảnh: Shutterstock

Trữ thực phẩm trong tủ lạnh có là giải pháp an toàn?

Môi trường tự nhiên rất thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Hầu hết các bà nội trợ đều chọn giải pháp trữ thực phẩm trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Nhiệt độ của những môi trường này là dưới 5°C; không “thân thiện” với vi khuẩn. Tuy nhiên, tủ lạnh cũng là nơi tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không được bảo quản đúng cách, thực phẩm vẫn bị vi khuẩn tấn công như thường.

Các nhà nghiên cứu từ Microban Europe đã phát hiện ra một loạt loại vi khuẩn nguy hiểm tiềm ẩn trong tủ lạnh. Chẳng hạn như E.coli, Salmonella và Listeria. Đáng lo ngại, trung bình có tới 7.850 đơn vị vi khuẩn trên mỗi cm² tủ lạnh. Trong một số trường hợp, con số này lên đến 129.000 vi khuẩn/cm². Trong khi khuyến nghị Ủy ban châu Âu EC, tiêu chuẩn cho việc lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là 0–10 vi khuẩn/cm².

Vì thế, dù có bảo quản thực phẩm ở tủ lạnh hay tủ đông; bạn cũng chỉ nên trữ chúng trong một khoảng thời gian nhất định.

– Đối với thực phẩm đông lạnh ở ngăn đá: Nhiệt độ ngăn đá của tủ lạnh khoảng –18ºC. Bạn có thể trữ thịt cá tươi đã được đóng gói hoặc đựng trong hộp kín. Ngoài ra, bạn có thể bảo quản các loại thực phẩm đã được nấu chín để không làm món ăn bị biến chất. Tất cả thực phẩm cấp đông này cần được sử dụng trong vòng 3 tháng.

– Đối với thực phẩm bảo quản ở ngăn mát: Nhiệt độ ngăn mát là 5°C. Thích hợp để bảo quản thực phẩm tươi và chín trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn nên để tối đa là 1 tuần.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua