Nếu con bạn thổ lộ rằng con đã biết yêu: “Con muốn cưới Trâm Anh làm vợ” hoặc “Bạn Trường Anh yêu bạn Thảo, nhưng con muốn bạn Trường Anh yêu con cơ!” khi con mới vào lớp một được vài tháng, bạn phải làm gì?
Thông thường các bậc phụ huynh chúng ta, hoặc là sẽ gạt phắt đi: “Con nít con nôi biết gì mà yêu với đương!”, thậm chí tệ hơn là la mắng cho một tràng, hoặc sẽ cười to rồi quên lãng. Cả hai cách này đều sẽ khiến con bạn không còn chia sẻ với bạn nữa và lúc đó, bạn mới là người không biết điều gì đang xảy ra để có thể đồng hành và uốn nắn con.
Vì sao con đã biết yêu từ thuở còn thơ?
Bạn đừng lo lắng vì các chuyên gia nói rằng trẻ thường có “tình yêu đầu” vào tuổi lên 5 – 6. Tiến sỹ Cynthia Langtiw, giáo sư trợ giảng ở Trường Tâm lý chuyên nghiệp Chicago, Mỹ, cho biết: “Trẻ nhỏ hơn thường dành trọn tình yêu cho gia đình. Nhưng khi trẻ bước vào lớp mẫu giáo lớn hay vào lớp 1, trẻ cảm thấy tình cảm đặc biệt dành cho bạn cùng lớp, bởi trẻ bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở trường và các hoạt động ở ngoài gia đình”.
Nhà tư vấn tâm lý lâm sàng Allison Bates ở British Columbia, Canada, cho biết: “Từ 6 đến 8 tuổi, trẻ thường nghĩ về bạn cùng lớp theo một cách khác, có thể là thích một bạn trai và nghĩ là bạn ấy thật dễ thương”. Cô Bates cũng nói trẻ ở tuổi này cũng chỉ làm điều mà các bé đã làm từ lúc mới sinh, bắt chước cha mẹ mình. Trẻ bắt đầu học theo những mối quan hệ xung quanh và hỏi: “Ba gặp mẹ ở đâu?”.
Julie Freedman Smith, một nhà tư vấn cho các bậc phụ huynh ở Calgary, Canada nói về sự phát triển của độ tuổi, bắt đầu lên lớp 1; về xã hội, trẻ bắt đầu cần được bảo vệ sự riêng biệt về giới tính như được thay quần áo ở phòng nam – nữ riêng biệt. Trẻ cũng cần được học các kiến thức cơ bản về điều nên và không nên từ việc mặc quần áo đến các kiến thức giới tính. Cô Smith cũng giải thích những cảm giác yêu đương đầu tiên là do ảnh hưởng từ những câu chuyện, bộ phim cổ tích như chuyện hoàng tử và công chúa, với ý tưởng về việc bạn có thể “phải lòng”, “yêu thương” một ai đó.
Dấu hiệu cần biết
♠ Nhận ra các dấu hiệu con đã biết yêu: Con trẻ có thể mạnh dạn chia sẻ hoặc với trẻ rụt rè, bé sẽ giấu diếm. Dù giấu diếm, bé sẽ có những biểu hiện như cười khúc khích khi lén nhìn bạn khác giới, thích xem phim tình cảm.
♠ Trò chuyện cùng con: Bạn bắt đầu bằng câu hỏi chung chung và trò chuyện theo câu trả lời của con. Nếu con cho biết đã có bạn gái/trai, bạn hãy hỏi: “Bạn gái/trai nghĩa là gì vậy con?”, rồi: “Con chơi với bạn như thế nào?”.
♠ Hỏi xem: “Bạn kia có thích con giống con thích bạn ấy không?”. Nếu câu trả lời là không, bạn có thể nói: “Mẹ biết con thích Trường Anh, nhưng con không nên cố để bạn thích con. Như thế, bạn ấy sẽ không thoải mái.Con cần tôn trọng cảm xúc của bạn ấy”.
♠ Đặt ra giới hạn: Khi chuyện yêu của con chỉ là những quan tâm như chỉ bài, trò chuyện, viết thư và đi chơi với nhau nhiều hơn, mọi chuyện vẫn trong vòng an toàn. Các chuyên gia nói rằng ngay cả việc trẻ nắm tay hoặc hôn vào má vẫn không liên quan gì đến tình dục ở độ tuổi này. Song, bà Lisa Spiegel, đồng sáng lập tổ chức Soho Parenting ở New York, Mỹ, nói: “Lúc này, trẻ bắt đầu tìm hiểu về tình yêu, những cảm xúc và kết nối”. Bạn nên cho con biết chơi với nhau là tốt nhưng không nên hôn nhau. Nếu các bé hôn nhau hoặc làm những việc xa hơn, bạn cần kiểm tra bé có tiếp cận với phim ảnh (kể cả phim truyền hình) nhiều quá hay không. Khi bạn thấy đã đến mức nguy hiểm, hãy trao đổi với thầy cô và phụ huynh của bé kia để có biện pháp cách ly, trò chuyện, sửa đổi phù hợp.
♠ Giúp con vượt qua tổn thương: Cảm giác yêu sớm này thường không kéo dài lâu và phần lớn trẻ sẽ nhanh vượt qua. Song, có thể con trẻ sẽ tổn thương nếu bạn cùng lớp từ chối tiếp tục làm bạn trai/bạn gái với bé. Bạn hãy hỏi xem con có cảm giác thế nào về chuyện này. Sau đó, bạn hãy chỉ ra những tính tốt của con và các bạn khác, tâm sự với con kinh nghiệm của chính bạn trong những “cuộc chia ly” học trò để con nhận ra con sẽ vượt qua chuyện đó dễ dàng thôi. Điều quan trọng là bạn giữ thái độ cân bằng và tinh tế trong ứng xử với con. Bởi vì cảm xúc của con là thật, cho dù đó chưa phải là yêu thương thật sự như người lớn. Bạn cần tôn trọng con hết lòng.
Lê Minh
Tiếp Thị Gia Đình