Con chơi với nhóm bạn xấu, bố mẹ phải làm gì?

Sẽ thật mừng khi con bạn gia nhập một nhóm ngoan hiền, cố gắng học tập, nhưng bạn sẽ lo lắng khi biết con là một thành viên trong nhóm bạn xấu, ưa quậy phá.

Chia nhóm, chia bè là chuyện thường gặp ở thời cắp sách đến trường. Vậy bạn có biết con mình đang chơi với nhóm bạn nào? Nếu con trẻ chơi với nhóm bạn xấu thì sao?

Trẻ thích chơi theo nhóm

Ở thời niên thiếu, nhu cầu lớn lao và cấp bách của trẻ là khát khao được thừa nhận. Do đó, trẻ có xu hướng tạo thành nhóm. Khi đã tìm thấy một nhóm nào đó chấp nhận mình, trẻ sẽ gia nhập ngay.

Trong vô thức, tất cả chúng ta có liên hệ với nhau về mặt cảm xúc. Bạn có thể thân với ai đó bởi bạn thích ở gần họ, thấy họ có những điểm tương đồng về tầng lớp, quan điểm, sở thích và cách hành xử. Lý do con gia nhập nhóm bạn xấu cũng thế. Tâm lý chống đối cũng là đặc điểm thường gặp ở tuổi vị thành niên. Đôi khi, trẻ chơi với nhóm bạn xấu vì muốn chống đối những quy tắc của gia đình, nhà trường, để khẳng định cái tôi độc lập và tự quyết.

Ngoài ra, nếu bé vừa bị từ chối bởi một người bạn, nhóm bạn, bé cũng dễ gia nhập nhóm bạn xấu. Bé muốn nhanh thể hiện: “Không có bạn, tôi vẫn có vô số bạn khác”, để chắc chắn mình không bị cô lập ở lớp. Đôi khi, con gia nhập nhóm vì có mục đích khó nói như từng bị nhóm bạn này bắt nạt, cảm thấy sợ nên cố gắng trở thành một thành viên trong nhóm để được an toàn.

20150618_mevacon_dinhduong_thumbnail

Chơi với bạn tốt, trẻ sẽ học được nhiều điều hay. Ảnh minh họa

Bạn có thể làm gì?

Bạn không muốn con chơi với nhóm bạn xấu vì sợ con nhiễm những hành động, thói quen xấu, trong khi đó con lại chưa ý thức điều này.

Nếu con lỡ chơi với nhóm xấu, bạn cũng đừng vội vàng cách ly hay chỉ trích trẻ. Khi bạn chỉ trích bạn của con, trẻ nghĩ rằng, bạn cũng đang chỉ trích chính bé. Đặc biệt, với trẻ ở tuổi dậy thì, bạn bè quan trọng hơn bất cứ ai khác. Con nghĩ mình có trách nhiệm bảo vệ nhóm bạn và sẵn sàng nổi đóa với cha mẹ. Bạn càng ghét đám bạn của con, cố tìm mọi cách kéo con ra khỏi nhóm bạn đó, bạn chỉ thêm hương vị cho mối quan hệ của con và nhóm bạn khăng khít hơn và khiến con lánh xa bạn.

Việc của bạn là tìm hiểu về nhóm bạn của con để đánh giá khách quan mức độ nguy hiểm của nhóm này.

Nếu con tham gia vào nhóm có những bạn nghiện, hút thuốc lá, có hành vi trộm cắp, đánh đập người khác, bạn cần kiên quyết tách con ra khỏi nhóm bằng cách kiểm soát giờ giấc thật chặt, có người giám sát con, thậm chí có gia đình từng phải chuyển trường học cho con để cách ly hoàn toàn với nhóm bạn xấu.

20151006_mevacon_de ngung la het con tre 2

Ảnh minh họa

Với nhóm bạn “quậy” ở mức độ ít nguy hiểm hơn, bạn có nhiệm vụ chia sẻ, chỉ ra những sự thật khiến bạn chưa hài lòng về nhóm bạn của con: “Mẹ không thích cách nói chuyện trống không của bạn con với người lớn”, “Bạn B trốn học đi chơi game là không tốt. Mẹ không thích con làm giống bạn”. Hãy trò chuyện để trẻ hiểu mặt tốt và cả mặt xấu của bạn bè trong nhóm, giúp con tránh được nguy cơ bị lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hành vi xấu hay đôi khi phải gánh chịu những vấn đề phiền phức do nhóm bạn mang lại. Nếu có thể, bạn hãy tìm cách làm thân với nhóm bạn mà con tham gia bằng cách thường xuyên mời cả nhóm đến nhà chơi. Khi bạn tạo cho con cảm giác “mẹ là người đồng hành cùng nhóm bạn của mình”, trẻ sẽ rất dễ chia sẻ và từ đó, bạn có thể định hướng hành vi tốt, không chỉ cho con mình mà còn tốt cho cả nhóm bạn của con.

Cùng với nhóm bạn chưa tốt, trong lớp, trường luôn có những nhóm bạn tốt. Nếu một thành viên trong nhóm này rủ rê con bạn gia nhập nhóm, con bạn sẽ cảm thấy rất hãnh diện và muốn tham gia. Bạn có thể tìm hiểu qua cô giáo chủ nhiệm, các phụ huynh khác để biết về nhóm tốt, sau đó nhờ nhóm bạn tốt dần lôi kéo con ra nhóm bạn chưa tốt.

BÀI: THIÊN MINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua