Có nên theo học ngành kiểm toán?

Ngành kiểm toán thích hợp với những ai thích tìm tòi, khám phá qua những con số và không ngại áp lực, thử thách

Cơ hội nghề nghiệp cao hơn khi trở thành kiểm toán viên

Kinh tế phát triển, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam gia tăng thì nhu cầu thông tin tài chính minh bạch càng cấp thiết. Chính vì vậy, kiểm toán hiện là một trong những ngành nghề rất triển vọng hiện nay.

CƠ HỘI VIỆC LÀM ĐA DẠNG

Tiến sỹ Đinh Thế Hùng, giảng viên bộ môn Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khẳng định: Sinh viên ngành kiểm toán ra trường, nếu thực sự có năng lực thì không bao giờ sợ “ế”, vì cơ hội việc làm của các bạn vô cùng lớn.

Bạn có thể làm việc tại các công ty kiểm toán độc lập, tham gia vào hoạt động kiểm toán Nhà nước, cũng có thể làm kiểm toán nội bộ, kiểm soát hoạt động trong các doanh nghiệp đơn vị hoặc làm tư vấn thuế, tư vấn kế toán, dịch vụ cung cấp liên quan đến tài chính – kế toán….

Chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng nhóm kiểm toán của Công ty Ernst & Young, nhấn mạnh: “Ngành kiểm toán hiện nay vẫn đang rất “hot”, nhưng cơ hội nghề nghiệp của các bạn sinh viên không vì thế mà bị thu hẹp. Sinh viên sau khi ra trường không chỉ làm kiểm toán mà còn có thể chuyển sang các lĩnh vực có liên quan đến tài chính như ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư…

Do yêu cầu công việc cao độ, các công ty kiểm toán thường thi tuyển gắt gao với các yêu cầu về phần cứng và phần mềm, đòi hỏi các bạn sinh viên phải luôn trau dồi học tập không ngừng”.

NHIỀU THỬ THÁCH TỪ NHỮNG CON SỐ

20150710-Tu-van-tuyen-sinh-Nghe-cua-nhung-con-so-2515-02

Tiến sỹ Đinh Thế Hùng tư vấn: “Các bạn trẻ khi quyết định chọn ngành này phải xác định xem bản thân mình có đủ tính cần cù, tỉnh táo, thận trọng và linh hoạt không, vì kiểm toán là một ngành khoa học logic rất dễ bị nhầm lẫn. Khi đó, sẽ có rất nhiều phiền toái xảy ra.

Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cần có nhất của một người muốn trở thành kiểm toán viên. Những con số với đầy rẫy lợi nhuận kích thích lòng tham của mỗi người và nếu không điều khiển được bản thân thì chính những con số ấy có thể đưa bạn rơi vào con đường lao lý”.

Chị Nguyễn Thu Hà cũng khuyên rằng: “Trước khi quyết định có nên trở thành kiểm toán viên không thì các bạn trẻ nên cân nhắc xem mình có đủ sức khỏe để chiến đấu với khối lượng công việc lớn đầy áp lực, khô khan, toàn những con số và sự di chuyển trong những chuyến công tác liên tục. Bên cạnh đó, người làm kiểm toán cần biết cách quản lý thời gian để không bị chồng chéo công việc”.
Bạn Cao Thị Như Quỳnh, sinh viên năm ba lớp Kiểm toán K54B, Đại học Kinh Tế Quốc Dân, đã có kinh nghiệm làm cộng tác viên cho một công ty nước ngoài.

Quỳnh chia sẻ: “Mình chọn ngành này bởi đam mê khoa học logic, mình thích tính toán từ nhỏ. Sinh viên học kiểm toán phải vận động không ngừng để tìm kiếm cơ hội việc làm”. Theo Quỳnh, khó khăn lớn nhất của sinh viên theo học ngành kiểm toán là phải thực tập nhiều, làm nhiều ngay từ khi còn là sinh viên để có kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đi học thêm những chứng chỉ để tiếp cận các phương pháp mới như làm việc trên máy tính khác với cách truyền thống.

THÔNG TIN TUYỂN SINH

Có thể đăng ký dự tuyển vào ngành kiểm toán ở các trường sau:

Hà Nội: • Đại học Kinh tế Quốc dân, website: www.neu.edu.vn, điện thoại (04) 3628 0280

• Học viện Tài chính, website: www.hvtc.edu.vn, điện thoại (04) 3836 2161

TP. HCM: • Đại học Kinh tế TP. HCM, website: www.ueh.edu.vn, điện thoại (08) 3829 5299 • Đại học Ngân hàng TP. HCM, website: www.buh.edu.vn; điện thoại (08) 3829 1901.

Đà Nẵng:• Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, website: www.due.edu.vn, điện thoại (0511) 395 0227.

Mục Tư vấn tuyển sinh/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua