Có nên sinh thêm con để hàn gắn hạnh phúc gia đình?

Không ít người cho rằng sự ra đời của đứa con chính là sợi dây ràng buộc vợ chồng, nhưng câu chuyện có nên sinh thêm con phức tạp hơn chúng ta nghĩ

Ông bà xưa thường nói: “Con cái là của trời cho”, tức cũng khó mà tính toán như ý chuyện sinh con. Xét về mặt khoa học, các bác sỹ cũng cho biết, một cặp vợ chồng bình thường, khỏe mạnh, mong muốn có con thì xác suất thụ thai mỗi tháng chỉ vào khoảng 15–25%. Chính vì thế, nhiều gia đình khát khao có con mà không có, ngược lại, cũng có người sinh con ngoài ý muốn. Ngoài ra, còn có khi người ta sinh con với mong muốn cải thiện cuộc sống vợ chồng. Vậy có nên sinh thêm con để hàn gắn hạnh phúc?

Giải đáp thắc mắc: Có nên sinh thêm con hay không?

SINH THÊM CON VÌ TIN LỜI THẦY BÓI

Anh H. và chị A. (TP. HCM) kết hôn hơn 10 năm và đã có một con trai tám tuổi. Cuộc sống vợ chồng lục đục, không hòa hợp nhưng cả hai níu kéo vì thương con, muốn con có đầy đủ cả cha mẹ sống cùng.

Đi xem bói, thầy bảo hai vợ chồng chị nên có thêm một đứa con thì chắc chắn sẽ thuận hòa. Canh sinh con đúng năm thầy khuyên, vợ chồng chị có thêm một cậu con trai bụ bẫm, đáng yêu. Dù thế, mối quan hệ của cả hai vẫn không thay đổi. Đến nay, cậu bé thứ hai đã vào lớp một, vợ chồng anh chị vẫn ngủ riêng, không nói chuyện với nhau trừ những việc liên quan đến con. Cậu con trai lớn vào tuổi dậy thì, nhận ra sự bất hòa của cha mẹ nhưng thấy họ vẫn cố sống cùng nhau thì rất thất vọng vì cha mẹ sống giả dối. Càng lúc, anh chị càng thấy khó dạy dỗ con, còn cậu con thì mỗi ngày càng thêm chán ghét cuộc sống của gia đình mình.

CÓ THÊM ĐỨA NỮA VÌ “TAI NẠN”

Câu chuyện có thêm con của chị T. (Bình Định) thì lại éo le ở khía cạnh khác. Khi chị đang nghỉ sinh con đầu tiên, phải vất vả với con cái ở nhà, chị phát hiện anh có nhiều biểu hiện lạ. Nhờ hàng xóm trông con, chị theo dõi anh giả vờ thì biết chồng có nhân tình. Chị đau khổ gần như phát điên nhưng vì còn yêu chồng nên cắn răng bỏ qua. Ở thêm với nhau khoảng một năm trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, cả hai rất ít khi quan hệ tình dục nhưng chị vẫn dính bầu mà không ngờ tới. Khi thai gần ba tháng, chị mới phát hiện ra vì vốn có vòng kinh nguyệt không đều.

Chị cứ ngỡ có con thêm sẽ là sợi dây ràng buộc chồng chắc hơn, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Đúng lúc này, anh lại có một cô tình nhân mới. Chị định bỏ đứa con và chia tay chồng vì đã không còn niềm tin ở anh, nhưng chồng chị dây dưa không chịu ký đơn. Thỉnh thoảng, anh ta quay về đòi chị đưa tiền, không có lại đánh đập chị. Chị sinh con và nuôi cả hai con một mình trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Chồng chị vẫn mải mê với những cuộc tình, chẳng đoái hoài đến cả hai đứa con.

NHỮNG HỆ LỤY TỪ PHÚT CẠN NGHĨ

co nen sinh them con hinh anh

Có thể thấy rằng rất nhiều đứa trẻ khi chưa chào đời đã mang trên mình những “trách nhiệm lớn lao” với cha mẹ, thậm chí cả dòng họ. Trách nhiệm đó có thể là nối dõi tông đường, hàn gắn quan hệ bố mẹ. Người lớn kỳ vọng sự ra đời của đứa trẻ giúp người cha trách nhiệm hơn, hay làm người mẹ đảm đang hơn… Điều đó thật không công bằng cho đứa trẻ. Thực tế cho thấy mối quan hệ của người lớn do chính họ quyết định chứ không phải là đứa trẻ. Ở cả hai tình huống trên, đứa con thứ hai chào đời dù theo ý muốn hay “tai nạn” đều được kỳ vọng sẽ làm hôn nhân của cha mẹ hạnh phúc, bền vững hơn. Tuy nhiên, kết quả là mối quan hệ của họ càng tồi tệ hơn, đương nhiên không do đứa trẻ mà do tình cảm của người lớn với nhau.

Điều mà những cặp vợ chồng này đã không nghĩ đến đó là bầu không khí gia đình không thuận hòa sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của con cái họ.

Cậu con trai thứ hai của anh H. và chị A. cứ thắc mắc việc cha mẹ không ngủ chung và không bao giờ cùng đưa mình đi chơi. Có lẽ đến một ngày, bé cũng như anh hai nhận ra hạnh phúc che đậy của cha mẹ. Lúc ấy, liệu bé có trở nên ù lì, bướng bỉnh như anh của mình? Còn hai con của chị T. thì luôn sợ hãi khóc thét mỗi lần cha về nhà vì chúng chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, cha đánh đập mẹ. Chưa kể, vì quá khó khăn, chị T. không chăm sóc con đầy đủ nên cả hai bé đều suy dinh dưỡng, không được đến trường mầm non, cả ngày phải quanh quẩn trong nhà chơi cùng nhau. Cả thể chất và nhân cách của hai bé đều đang phát triển theo chiều hướng bất lợi.

QUYẾT ĐỊNH SINH THÊM CON KHI NÀO?

co nen sinh them con hinh anh 2

Nếu còn đang băn khoăn: Có nên sinh thêm con, hãy luôn chắc chắn rằng gia đình bạn đủ điều kiện về vật chất lẫn tinh thần để đón chào và nuôi dạy một sinh linh mới

Câu khẩu hiệu về kế hoạch hóa gia đình vẫn giăng nhan nhản trên đường phố Việt Nam: “Mỗi gia đình chỉ nên có một đến hai con để nuôi dạy cho tốt” cho thấy việc sinh con cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Có nên sinh thêm con hay không? Hiện nay, việc nuôi một đứa trẻ không chỉ tốn kém tiền bạc mà các cặp vợ chồng còn phải đầu tư thời gian, công sức để học cách làm cha mẹ đúng nghĩa, dạy dỗ trẻ đến nơi đến chốn, cho trẻ đầy đủ tình yêu thương. Đứa trẻ không hề được lựa chọn việc mình chào đời, vì thế, nếu quyết định cấy tạo một sinh linh và đưa nó đến thế giới loài người, điều tiên quyết là gia đình đang ấm êm, hạnh phúc. Cả vợ và chồng đều phải đồng thuận trong việc có con, không nên ép buộc vợ/chồng trong việc sinh con lẫn sinh thêm con khi họ chưa sẵn sàng vì điều này có thể đe dọa hạnh phúc gia đình và có hại cho đứa trẻ khi ra đời.

Điều kiện cần khi sinh thêm con

Tình hình tài chính hay chi phí nuôi con tùy độ tuổi và tùy điều kiện vật chất, nhưng chi phí cho một đứa trẻ sơ sinh thấp nhất cũng khoảng 1,5 triệu/tháng. Vì thế, nếu tổng thu nhập của cả hai vợ chồng dưới 7 triệu/tháng thì nên tạm dừng lại ở đứa con đầu tiên. Nếu bạn còn băn khoăn có nên sinh thêm con khi tài chính không dư dả, bạn nên xem xét lại. Liệu bạn có thể tiết kiệm, giảm bớt các chi phí cá nhân để nuôi con? Nếu câu trả lời là “có” thì nên sinh con.

Sinh con vì mong muốn chứ không phải là việc cần thiết. Không nên trao cho trẻ một trách nhiệm trước khi chào đời như những trường hợp dẫn chứng vừa kể.

Một đứa trẻ chào đời có thể làm xáo trộn cuộc sống hiện có trong gia đình. Ngoài việc tài chính mất cân đối, thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau sẽ ít hơn do phải chia sẻ với đứa trẻ mới chào đời. Nếu chưa có kế hoạch cụ thể để điều chỉnh, sắp xếp cuộc sống của các thành viên khác trong gia đình thì bạn nên hoãn việc có thêm thành viên mới. Ví dụ, cả bố mẹ đều bận rộn với công việc hiện tại, con đầu đã đi học ở trường, bố mẹ chỉ cần phân công một trong hai đưa/đón, cho ăn uống buổi tối và chơi cùng. Nếu có thêm con thứ hai mà bố không thể cáng đáng phần lớn việc chăm sóc con đầu khi mẹ nghỉ sinh em bé thì nên xem xét lại quyết định.

Bài: Huyền An

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua