“Làm gì có ông già Noel. Những món quà con nhận được mỗi mùa Giáng sinh là do chính bố mẹ mua đấy”. Liệu trong xã hội hiện nay, bạn có nên nói với con sự thật đó?
Giữ cho con một thế giới diệu kỳ
Hầu hết các nhà tâm lý cho rằng, không có hại, thậm chí còn có lợi khi để trẻ sống trong thế giới tưởng tượng về ông già Noël. Ông chính là tấm gương về lòng vị tha và là người ban phát tình yêu thương, chia sẻ, rất có ích với sự hình thành nhân cách yêu thương của trẻ trong suốt cuộc đời sau này. Ông cũng góp phần tạo dựng truyền thống gia đình, kỷ niệm ấu thơ thật ngọt ngào nơi những tâm hồn thơ bé.
Giáo sư Jared Durtschi, Đại học bang Kansas, Mỹ, nói: Các bậc cha mẹ không phải băn khoăn việc có nên nói với con rằng, ông già Noël không có thật. Khi trẻ lớn lên, tư duy huyền diệu, niềm tin vào những điều kỳ diệu rất phổ biến ở trẻ nhỏ dần biến mất, nhường chỗ cho tư duy logic, cho phép các em dễ dàng chấp nhận tất cả sự thật về ông già Noël và tự trẻ sẽ sớm tìm ra sự thật cho mình. Do đó, nói thật với con trước khi bé tự tìm ra, cha mẹ đã vô tình làm giảm sự hào hứng của trẻ với mùa Giáng sinh, làm giảm khả năng tưởng tượng kỳ diệu vốn rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ.
“Những em bé tin rằng ông già Noël là có thật thường có một mùa Giáng sinh nhiều niềm vui, phấn khích hơn những bé biết rằng ông già Noel không có thật”, ông Jared Durtschi nhấn mạnh.
Tự con sẽ nghiệm ra sự thật
Vậy khi nào bé sẽ sống trong tư duy tưởng tượng kỳ diệu và khi nào bé sẽ biết suy nghĩ logic? Câu trả lời là mỗi trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau. Mặc dù vậy, nhà tâm lý Karl Rosengren, Đại học Northwestern, Mỹ, cho rằng ở tuổi 3–7, trẻ vẫn sống trong những suy nghĩ huyền diệu và dễ tin vào điều kỳ diệu. Các em mượn ông thần, ông bụt, bà tiên, phép thuật, ông già Noel… để mong biến những ước mơ vượt tầm tay của mình thành hiện thực.
Đến độ tuổi 7–8 trở lên, bé bắt đầu suy nghĩ logic, tự đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của sự vật, con người xung quanh và nhận thấy sự mâu thuẫn, phi lý trong câu chuyện về ông già Noel. Bé cũng có sự khám phá thông qua việc giao lưu với bạn bè, trong đó có những bạn đã biết ông già Noël là không có thật. Nếu nhận thấy sự nghi hoặc của con, Jared Durtschi khuyên rằng, bạn nên hỏi con một câu hỏi mở: “Con nghĩ gì về ông già Noel?”, chứ không phải là một câu hỏi phũ phàng hơn, chẳng hạn như: “Bây giờ con vẫn còn tin vào ông già Noel à?”.
Sau khi bé bày tỏ suy nghĩ về ông già Noel, bạn có thể giải thích với con rằng: “Ông già Noel là một biểu tượng của sự hào phóng, lòng vị tha, là người ban phát tình yêu thương, niềm vui và những điều tốt lành cho người khác. Ông là hiện thân của Thánh Nicholas sống ở thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ, một vị thánh tốt bụng, vui vẻ, sẵn sàng cho đi tất cả những gì có thể. Ngày xưa, ông bà là ông già Noel của bố mẹ. Bây giờ, bố mẹ là ông già Noel của con. Và khi con đã lớn, không còn là người nhận, con sẽ trở thành ông già Noel để tạo ra niềm vui, sự kỳ diệu cho những người quanh, đem đến cho họ một mùa Giáng sinh thật thú vị, ấm áp. Tình yêu thương, sự chia sẻ nhờ thế cũng được truyền từ đời này qua đời khác, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Vậy đấy, việc nói hay không nói với con sự thật về ông già Noel không còn quan trọng nữa. Hãy để bé mơ mộng và ngộ ra sự thật bằng những trải nghiệm và sự trưởng thành của mình, bạn nhé.
XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình