Leo cầu thang là một trong những phương pháp tập thể dục phổ biến trên toàn thế giới. Thậm chí khi bước vào phòng tập gym, bạn vẫn thấy sự xuất hiện của máy leo cầu thang. Bài tập này mang lại khá nhiều lợi ích cho vóc dáng và sức khỏe. Tuy nhiên, Th.S BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho rằng phương pháp leo cầu thang vẫn tồn tại khá nhiều rủi ro và bạn cần hiểu thật rõ cơ thể của mình để tránh mắc phải những sai lầm gây chấn thương.
Những lợi ích bất ngờ nếu leo cầu thang nhiều
Cải thiện sức bền tim, phổi
Những người hay đi thang bộ thường có hệ thống tim, phổi tốt hơn. Nguyên nhân là do khi leo cầu thang, chúng ta thường hay gắng sức để hoàn thành nó. Trải qua thời gian dài, tim phổi lúc này sẽ thay đổi và càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Theo kết quả của một nghiên cứu dài 8 tuần đăng trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, những người phụ nữ trẻ kiên trì leo cầu thang 5 ngày/tuần đã cải thiện sức khỏe tốt lên rất nhiều. Trước đó, họ có mức VO2 max (khả năng tiêu thụ oxy tối đa) khá thấp. Nhưng sau 8 tuần tập leo cầu thang, mức VO2 max của họ đã tăng 17%. Chỉ số này cao có nghĩa cơ thể bạn hấp thụ được nhiều oxy hơn.
Đánh thức sức mạnh cơ bắp
Tác dụng chính của leo cầu thang là đốt cháy calo, giúp nâng cao sức bền và sức khỏe hiệu quả. Khi leo cầu thang, tất cả cơ bắp ở chân, cơ bụng, cánh tay và cơ lưng đều đồng loạt hoạt động mạnh hơn và nhiều hơn so với khi di chuyển trên mặt phẳng. Nó sẽ yêu cầu bạn phải giữ thăng bằng trong suốt thời gian tập luyện. Nếu theo đuổi trong thời gian dài, phương pháp này cũng sẽ giúp cải thiện tư thế, ngăn ngừa đau lưng dưới và giảm nguy cơ chấn thương khi vận động mạnh hoặc tập luyện các môn thể thao khác.
Mối nguy hiểm tiềm ẩn trong những bậc thang
Mặc dù được đánh giá khá tốt và dễ thực hiện, nhưng leo cầu thang không phải là bộ môn thích hợp cho tất cả mọi người. Trước khi tập luyện bộ môn này, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để biết được phương pháp này có phù hợp với mình hay không. Có 2 nhóm người không nên lựa chọn bài tập leo cầu thang:
Người có tiền sử mắc các bệnh tim, phổi
Những người mắc bệnh tim hoặc phổi tuyệt đối tránh nên hạn chế thực hiện bài tập này. Nếu cố phớt lờ và tập luyện nhiều, bạn dễ gặp phải các biến chứng như nhồi máu cơ tim, ngất xỉu hoặc khó thở dữ dội nếu leo quá nhiều và quá sức.
Người có bệnh lý về khớp
Theo BS Thành, những người mắc bệnh khớp, thoái hoá các khớp chi dưới cũng không nên tập luyện môn thể thao này. Khi leo cầu thang, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn vào khớp ở chi dưới và tạo áp lực rất lớn cho khớp. Lúc này, nó sẽ gây ra các triệu chứng đau đớn; gây khó khăn khi vận động và đi đứng thông thường. Về lâu ngày sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Thay vào đó, các bài tập đạp xe hoặc bơi lội không gây tải lực lên khớp là lựa chọn phù hợp hơn.
Lưu ý
Điểm mạnh thu hút nhiều người chọn phương pháp leo cầu thang là sự thuận tiện. Bạn không cần hao tốn thời gian và tiền bạc để đến phòng tập gym; hoặc đầu tư vào các dụng cụ tập luyện khác. Tuy nhiên, bạn cần biết tiến hành một cách khoa học để đạt hiệu quả cao nhất.
Chuẩn bị gì?
Cũng như các bài tập khác, leo cầu thang cần khởi động, làm nóng và giãn cơ. Khi leo lên cầu thang, bạn cần cố gắng chỉnh nửa người trên hơi hướng về phía trước. Khi xuống cầu thang, người hơi ngửa về sau và nên đi chậm để thư giãn cơ thể, thả lỏng các nhóm cơ.
Người mới tập
Khi mới bắt đầu, bạn nên tập leo với tốc độ chậm hoặc leo ít. Thời gian lý tưởng cho bài tập leo cầu thang là 15 phút.Đừng gắng gượng leo quá nhiều hoặc quá nhanh, vì bạn có thể té ngã hoặc khiến cơ bắp bị tổn thương nhiều hơn.
Không leo xuống quá nhanh
Khi leo ngược trở xuống, cơ thể và trọng lực của bạn sẽ gây nên sức ép cho đầu gối. Vì vậy, bạn tuyệt đối không đi nhanh, hoặc nhảy cóc cùng lúc 2–3 bậc thang.
Tiếp Thị Gia Đình