Với tâm lý lo lắng khi trông thấy con mình vẫn còn khá “èo ọt” so với bạn đồng lứa, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại tăng cường đạm cho con bằng nhiều thức ăn và đồ bổ. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trẻ ăn nhiều hoặc ăn đầy đủ nhưng vẫn không phát triển.
Theo ThS – BS. Mai Quang Huỳnh Mai – Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do trẻ chưa thật sự được cung cấp dưỡng chất một cách cân bằng. Từ đó dẫn đến thừa hoặc thiếu chất đạm. Để hiểu rõ hơn về cơ chế hấp thụ đạm của cơ thể, TTGĐ mời bạn cùng tìm hiểu với BS. Mai nhé!
Ý kiến chuyên gia
Thưa bác sĩ, đạm đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ?
Đạm (protein) là chất căn bản cần có cho sự sống của mọi tế bào. Chúng phân bố nhiều nơi trong cơ thể như cơ, da và máu. Hoạt tính sinh học của protein được quyết định bởi loại và tính chất của các acid amin thành phần. Trong đó, sẽ có những acid amin mà cơ thể không tự tổng hợp được và phải nhờ chế độ ăn cung cấp.
Có thể nói, protein chính là chất sinh trưởng vô cùng quan trọng với trẻ, nhất là từ 0 – 6 tuổi. Bởi đây là giai đoạn phát triển tầm vóc và trí tuệ.
Khi cha mẹ xây dựng chế độ ăn không cân đối, trẻ sẽ có những rối loạn không mong muốn xảy ra. Việc thiếu hụt đạm có thể dẫn đến cơ thể của trẻ bị chậm tăng trưởng; hoặc suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng tuyến nội tiết; hay suy giảm miễn dịch và tăng tần suất nhiễm trùng. Ngược lại, tình trạng thừa đạm lại gây ảnh hưởng đến chức năng gan thận, rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
Một số cha mẹ thường thấy trẻ ít ăn và bắt đầu tăng cường nhiều đạm hơn. Phương pháp này có thật sự đúng?
Đây là một cách làm hoàn toàn sai lệch và nguy hiểm cho trẻ về sau. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ theo đuổi chế độ ăn này lâu dài, nhất là trong 2 năm đầu đời, sẽ dễ làm quá tải cho thận và gan; đồng thời giảm tiết hormone tăng trưởng và gây béo phì. Đặc biệt, những quá trình này còn góp phần dẫn đến loãng xương khi trưởng thành và làm tăng nguy cơ ung thư hay bệnh lý mạch vành.
Nếu nhận thấy trẻ không hứng thú với việc ăn uống, các cha mẹ nên tìm hiểu lý do tại sao trẻ trở nên biếng ăn. Từ đó, điều chỉnh lại chế độ ăn cho cân đối và phù hợp với trẻ.
Làm thế nào nhận biết trẻ đang tiêu thụ quá nhiều chất đạm?
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất đạm sẽ có những biểu hiện cơ bản như hơi thở hôi, táo bón/ đi phân lỏng, khát nước, chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu. Ngoài ra, vì chế độ ăn uống không cân bằng nên trẻ sẽ có xu hướng chậm tăng cân, đứng cân hoặc sút cân.
Khi nhận thấy trẻ đang có các hiện tượng trên, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay. Lúc này các bé sẽ được thăm khám và điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Bởi nếu tiêu thụ lượng đạm quá mức kéo dài sẽ còn xuất hiện các triệu chứng tổn thương thận, tim mạch và loãng xương…
Xin bác sĩ hãy chia sẻ cách xây dựng chế độ ăn hợp lý cho trẻ?
Trẻ em cần được cung cấp dưỡng chất với chủng loại – số lượng tùy thuộc độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Cụ thể:
Từ 0-6 tháng
Đây là giai đoạn bú mẹ hoàn toàn. Vì vậy, các bà mẹ cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng trong thời gian này. Bởi nó sẽ đảm bảo trẻ phát triển đạt các mốc theo tuổi.
Từ 6 tháng trở lên (trẻ bắt đầu ăn dặm)
Lúc này chúng ta cần cân đối giữa bú mẹ/ sữa công thức và ăn dặm nhằm giúp trẻ có thể nhận được đủ dưỡng chất. Lưu ý, cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột, chất béo, chất đạm và chất xơ cho trẻ.
Trẻ dưới 2 tuổi
Nhóm trẻ này sẽ có nhu cầu chất béo cao hơn người lớn. Vì vậy, cần phải cung cấp đủ lượng chất béo. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn chất béo tự nhiên có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên áp dụng nguyên tắc nấu ăn của người lớn cho trẻ. Tránh những sai lầm thường gặp như không cho trẻ ăn dầu mỡ, ăn quá nhiều thịt cá; HOẶC ăn cơm sớm cho nhanh cứng cáp; hay uống quá nhiều sữa hoặc ăn nhiều phô mai…
Xin cảm ơn ThS. BS Mai Quang Huỳnh Mai đã chia sẻ.
Tiếp Thị Gia Đình