Có nên bỏ về giữa chừng khi đi dự sự kiện, hội thảo?

Bạn có từng đứng dậy ra về khi đi dự sự kiện, hội thảo? Khi ấy, bạn có cảm thấy áy náy hay xem đó là điều bình thường?

Hãy ứng xử văn minh khi tham gia sự kiện bằng việc ở lại đến khi kết thúc.

Ảnh mang tính chất minh họa

MC Nguyên Khang từng chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Hôm nay có một tình tiết làm mình mất tập trung khi dẫn The Remix. Đó là lúc giới thiệu tiết mục khách mời hát ca trù… Việt Nam tự hào khi ca trù được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng, khi MC chưa nói xong thì khán giả đã đứng dậy ra về. Giá họ dành vài phút để nghe hết tiết mục này rồi hãy đứng dậy, có lẽ sẽ thể hiện nét văn hóa đẹp hơn”.

Mới đây, một nữ nhà báo cũng chia sẻ câu chuyện vợ chồng người nước ngoài dẫn con xem vở kịch cổ thời Shakespeare. Dù hai con không hiểu gì và cứ vật vã đòi về, họ vẫn cố dỗ dành con ngồi xem đến phút cuối, trong khi hơn nửa số khán giả người Việt bỏ về giữa chừng. Người nước ngoài đã hỏi nữ nhà báo: “Họ (những người bỏ về) không biết văn hóa ứng xử à?”.

VÌ SAO BỎ VỀ LÀ HÀNH VI THÔ LỖ?

Tổ chức tiệc, sự kiện cần sự hỗ trợ, đóng góp của từng nhân vật khách mời để góp phần tạo nên thành công cho bữa tiệc, sự kiện đó. Khi nhận được tấm thiệp mời tham dự tức là bạn đã được chủ nhân coi trọng. Họ mong muốn bạn góp mặt cùng mọi người để tạo nên thành công cho sự kiện. Khi nhận lời tham dự, bạn cũng phần nào đoán trước mục đích của sự kiện và thấy mình phù hợp, có thời gian mới nhận lời. Vậy tại sao bạn bỏ về giữa chừng? Hành động đó khác nào thể hiện sự thô lỗ không chỉ với chủ nhân bữa tiệc mà còn với chính bạn.

Người Việt thường lấy cớ vì sự kiện dở, bữa tiệc chán nên không cần ở lại, đi về cũng chẳng ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng nếu một nửa số lượng khách cũng nghĩ như bạn, bỏ về sớm như bạn thì thế nào? Ngoài ra, chuyện khách mời đến trễ cũng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, không chỉ ảnh hưởng đến chương trình, còn làm mất thời gian những người đã đến sớm.

Hãy đặt mình vào vị trí chủ nhân của bữa tiệc, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đã hơn một giờ mà khách mời chỉ có vài người, chương trình diễn ra chưa được bao lâu, hơn một nửa khách đã ra về. Chắc chắn đó là một sự hụt hẫng và thất vọng rất lớn.

HÃY CƯ XỬ VĂN MINH HƠN

20150729-Ky-nang-song-co-nen-bo-ve-giua-chung

Rời sự kiện giữa chừng không vì lý do chính đáng có thể xem là hành vi thiếu văn minh

Bữa tiệc, sự kiện nào cũng mang tính chất quan trọng riêng và nó như là đứa con tinh thần của chủ nhân. Họ đã đặt rất nhiều tâm huyết vào đó. Một khi đã quyết định tham dự, tức là bạn đã đồng ý góp chút công sức nhỏ bé tạo nên thành công cho sự kiện. Vì vậy, hãy tôn trọng quyết định của mình.

Xa hơn nữa, trong nỗ lực hội nhập với thế giới, chúng ta cần học những kỹ năng ứng xử văn minh. Bạn không chỉ có cơ hội tham dự những bữa tiệc, sự kiện mang tính chất gia đình, bạn bè mà đôi khi đó là sự kiện mang tầm thế giới, có sự góp mặt của những nhân vật nổi tiếng, chuyên gia, người nước ngoài… hãy thể hiện sự văn minh của mình. Chẳng có gì khó khăn: Hãy bắt đầu bằng việc xác nhận tham dự, đến đúng giờ và ở lại cho đến khi kết thúc.

TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ
Dĩ nhiên sẽ có những trường hợp bất khả kháng mà bạn không thể ở lại cho đến khi kết thúc. Hãy chắc chắn rằng đó là lý do chính đáng và bạn thực sự nuối tiếc vì điều đó. Khi ấy, bạn có thể:

− Tìm chủ nhân bữa tiệc hoặc người chịu trách nhiệm để trình bày lý do bạn phải ra về sớm.

− Hãy thành thật, đừng giả vờ: Vài phút để giải thích lý do và thể hiện sự nuối tiếc cũng như xin lỗi chủ nhân là điều rất quan trọng. Hãy cho họ biết lý do thực sự để họ có thể cảm thông cho bạn. Việc giả vờ mệt mỏi hay nói dối sẽ rất dễ nhận biết.

− Suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Khi nhận thiệp mời, hãy suy nghĩ kỹ trước khi báo cho chủ nhân biết bạn có tham dự không. Nếu đã nhận lời, nhưng thay đổi ý định, đừng quên gọi điện cáo lỗi.

Mục Nghệ thuật ứng xử/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua