Có con rồi mới cưới: Quy trình ngược ẩn chứa nhiều hệ lụy

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng ngày nay, không ít cô dâu, chú rể và cả gia đình nhà trai lấy làm hân hoan vì cô dâu đã có "tin vui" trước khi về nhà chồng

Đến dự tiệc cưới của cậu em con dì tháng trước, tôi bất ngờ vì cô dâu còn rất trẻ, vừa ra trường nhưng đã lúp xúp bụng bầu. Mặc cho hàng trăm ánh mắt dồn về “điểm nhấn” đặc biệt này, cô dâu vẫn hồn nhiên, chú rể có vẻ đắc thắng, còn người dì của tôi vui vẻ chăm sóc cho “cả trâu lẫn nghé” mà mình sắp “tậu” về. Ghé vào tai tôi, bà thì thầm, hả hê: “Hơn năm tháng rồi đó con. Trai hẳn hoi. Dì của con chắc chắn có cháu nối dõi tông đường rồi”. Trò chuyện với chú rể, tôi càng bất ngờ hơn khi biết, thành quả trong bụng cô dâu là kết quả xúi bẩy của mẹ chồng. Chính dì đã nhỏ to với con trai: “Phải làm cho con bé có con thì mẹ mới chịu nhận làm dâu”.

TẠI SAO LẠI ĐI NGƯỢC QUY TRÌNH?

Những hình ảnh cô dâu khệ nệ bê bụng bầu lên làm đám cưới đã trở nên quá phổ biến từ vùng nông thôn đến thành thị. Để tìm hiểu về nguyên nhân thúc đẩy xu hướng có con trước khi cưới tại Việt Nam, chúng tôi đã phỏng vấn các đối tượng là mẹ chồng, chồng và con dâu. Hóa ra, hầu hết các trường hợp có con trước hôn nhân xuất phát từ mong ước của người chồng và gia đình chồng.

Cô Phạm Thị Nga, ở Bình Chánh, TP. HCM, chia sẻ: “Tôi có hai cậu con trai. Con trai đầu cưới vợ đã hơn ba năm, không “kế hoạch” gì nhưng đến giờ vẫn chưa có tin vui. Con trai tôi, vì không có con, bị bạn bè chê kém hoặc “điếc”, trở nên cáu kỉnh, hay nhậu nhẹt, vợ chồng chúng giận dỗi như cơm bữa còn tôi cũng chẳng vui gì. Đến khi cậu con thứ hai dẫn người yêu về, thấy cô bé gầy gò, ốm yếu, nỗi lo mất giống lại nhân lên. Tôi đành đóng vai mẹ chồng ác, yêu cầu hai đứa có con rồi mới cho cưới. Trong thâm tâm, tôi thấy vậy không công bằng với con dâu tương lai, nhưng mẹ nào mà không muốn có cháu bồng, cháu bế. Khi có cháu, niềm vui nhân đôi, tôi vui sướng tổ chức một đám cưới thật lớn để rước con về nhà”.

Cô Nga cho biết: “Mẹ chồng bây giờ dễ tính và thoải mái hơn ngày trước. Nếu việc có con trước đám cưới là mơ ước của mẹ chồng thì họ sẽ không lấy chuyện này để làm khó con dâu về sau”.

Trường hợp của anh Thành Trung, giám đốc điều hành một hãng nước ngọt lớn tại TP. HCM, có vẻ đặc biệt nhưng không hiếm trong thời hiện đại. Đi du học rồi làm việc ở Úc nhiều năm, cuối cùng, anh trở về quê hương khi đã ở tuổi 46.

Anh Trung kể: “Tôi luôn làm việc theo kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, từ chuyện ăn uống, học hành, sự nghiệp đến cả việc lấy vợ. Người vợ trong kế hoạch của tôi phải có các yêu cầu: cao trên 1m60, thành thạo tiếng Anh, làm ở một công ty đa quốc gia và phải chịu có con trước khi cưới. Lúc tôi đưa ra yêu cầu nhờ giới thiệu, mọi người bảo tôi “đầu óc có vấn đề”. Lần đầu, tôi quen được một bạn đủ tiêu chuẩn và ngay trong buổi đầu hẹn hò, tôi đã không ngại nói yêu cầu: “Anh lớn tuổi rồi, nên muốn có trước khi cưới”. Cô gái ấy thích tôi nhưng chỉ chịu cưới xong mới có con. Chúng tôi chia tay. Trải qua nhiều “ca” không thành công, cuối cùng tôi cũng gặp được người vợ hiện tại có lối sống rất Tây giống tôi và coi chuyện có con trước khi cưới là bình thường. Quen nhau bốn tháng, chúng tôi có con và giờ bé gái đã hai tuổi rồi. Khi đã đạt được kế hoạch, tôi toàn tâm toàn chí lo cho gia đình. Vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc vì con cái chính là cầu nối để xây dựng tình yêu giữa chúng tôi”.

Bên cạnh đó, một bộ phận bạn trẻ có xu hướng thích kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn nhưng lại muốn có con. Đó là lý do nhiều cặp chọn “đẻ con trước, cưới cha sau”.

Chị Thúy Linh, biên tập viên truyền hình, vừa hạ sinh con gái đầu lòng ở tuổi 34. Chị Linh cho biết: “Hai năm nữa bạn trai tôi mới về nước. Lúc đó, nếu muốn có con, tôi cũng đã 37 tuổi rồi. Tôi nghĩ bất cứ ai yêu con nít cũng nên có con trước tuổi 35 vì đây là lúc khả năng sinh sản còn tốt, con cái khỏe mạnh, thông minh. Chồng có thể cưới khi tôi 40 hoặc hơn, nhưng nếu có con trễ, khả năng sinh sản đã giảm theo tuổi tác, lúc đó có muốn cũng khó”.

CÂN NHẮC ĐẾN NHỮNG HỆ LỤY

Trong quá trình tư vấn, chuyên gia tâm lý Đặng Phương, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp Luật, gặp ngày càng nhiều những tình huống muốn có con trước khi cưới. Chị nhận định: “Xã hội ngày nay có tư tưởng và suy nghĩ thoáng hơn về việc người con gái có thai trước khi cưới. Nếu cả hai bên đều thuận tình và có quan điểm “thoáng” như trường hợp của anh Trung thì việc có thai trước khi cưới đem lại một số giá trị. Họ coi đây là gia vị cho tình yêu thêm thăng hoa.

20150525_tieudiem_cocon_SHU_142721818

Có con trước khi cưới cũng cần thiết khi các cặp đôi gặp khó khăn vì một số lý do cá nhân, ví dụ không tiện làm thủ tục kết hôn vì ở xa, đặc thù công việc… Họ sợ tuổi tác lớn sẽ ảnh hưởng đến chuyện mang thai nên có con trước hôn nhân là một điều hết sức quan trọng để liên kết và giữ gìn tình yêu”.

Tuy vậy, theo chuyên gia Đặng Phương, chỉ những người rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ hoặc có tư tưởng “thoáng” như nhau mới nên có con trước khi cưới. Với đa số còn lại, dù mong ước có con, có cháu thật dễ hiểu nhưng không chính đáng. Chị phân tích: “Nền tảng quan trọng của hôn nhân là lòng yêu thương, sự cảm kích, tôn trọng, tin tưởng và trách nhiệm chăm sóc gia đình. Việc bắt phải có con trước khi cưới là thể hiện rõ nhất sự thiếu tôn trọng, thiếu yêu thương. Khi đó, bạn chỉ là “vật thử nghiệm” để kiểm chứng khả năng sinh đẻ chứ không phải được đón nhận vì tình yêu thương. Lấy một người chồng không yêu thương, tôn trọng, bạn có chắc mình sẽ hạnh phúc? Đó là chưa kể đến việc bạn phải gánh chịu ít nhiều dư luận xã hội, chưa kể đến nỗi khổ tâm của bạn và cha mẹ đẻ nếu việc “thử” không thành. Theo tôi, nếu bạn chấp nhận “thử” đồng nghĩa với việc chấp nhận làm nô lệ tình yêu, đánh đổi về thể chất, tinh thần, niềm tin và kết quả là “được ăn cả, ngã về không”. Khi “thử” không thành, liệu cô gái ấy có được đón về nhà chồng hoặc nhà chồng tương lai có coi trọng hay không?”.

Cũng cần phải kể đến những hệ lụy do có con trước khi cưới. “Với đa số tình huống có con trước khi cưới, các bạn thường thiếu thời gian để chăm sóc cho nhau sau khi bước vào đời sống hôn nhân. Hậu quả là tình cảm đôi lứa phai nhạt, tâm lý đôi bên bị ức chế ảnh hưởng đến việc giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái”, chuyên gia Đặng Phương nhấn mạnh.

Hai người yêu nhau và định tiến đến hôn nhân có thể cùng đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu kết quả tốt, mẹ chồng sẽ bớt lo ngại và không gây áp lực. Nếu kết quả chưa khả quan, cả hai cũng biết được bạn đời tương lai như thế nào để có hướng tìm giải pháp và hỗ trợ hợp lý.

Trường hợp hiếm muộn, đã có các phương pháp thụ tinh nhân tạo ngày càng tiến bộ. Tuổi tác không còn là vấn đề bất di bất dịch. Mặc dù các chuyên gia khuyên bạn nên có con trước tuổi 35 vì sau đó khả năng sinh sản sẽ giảm đi, nhưng vẫn có tới 65% phụ nữ trở thành mẹ ở độ tuổi 40. Ca sỹ Gwen Stefani vẫn sinh con khỏe mạnh ở tuổi 44. Miêu nữ Halle Berry cũng sinh hạ bé trai ở tuổi 47. Tuy nhiên, nếu bạn đủ dũng cảm để chấp nhận mọi hệ lụy trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại những cách nghĩ khá phong kiến thì hãy có con trước hôn nhân.

BA THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ SỐNG THỬ, CƯỚI VÀ SINH CON?

20150525_tieudiem_Cocon_19151. Tuổi tốt nhất để sống chung với người mà bạn định lấy làm chồng – ít nhất 25 tuổi: Theo các nghiên cứu trước đây, các cặp sống thử trước khi kết hôn có khả năng ly dị cao hơn các cặp kết hôn mà không sống thử đến 46%. Ngày nay, các nhà nghiên
cứu lại khẳng định sống thử không làm tăng nguy cơ ly dị. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sống thử sẽ có kết thúc viên mãn với đám cưới hạnh phúc, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên chờ ít nhất đến khi bạn 25 tuổi. Theo Trung tâm Dữ liệu Y tế quốc gia Mỹ, nếu sống thử trong độ tuổi 25–29, bạn có xu hướng sẽ kết hôn sau ba năm. Trường hợp sống thử khi bạn dưới 24 tuổi, nhiều khả năng bạn sẽ chia tay người ấy sau ba năm chung sống. Lưu ý là đừng nên có con trong thời gian sống thử.

2. Tuổi tốt nhất để kết hôn – Nữ, 27 và Nam, 29: Số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ, cho thấy những người lập gia đình trước 23 tuổi có nguy cơ ly dị cao hơn. Cứ mỗi năm trì hoãn hôn nhân, nguy cơ ly dị lại giảm xuống. Hãy lấy chồng ít nhất khi bạn đã có tấm bằng đại học/cao đẳng và chỉ nên lấy người bạn đã hẹn hò ít nhất sáu tháng.

3. Thời điểm tốt nhất để có con – Ít nhất một năm sau cưới: Bạn đã có chút thời gian để sống hạnh phúc và thư thái trong mật ngọt hôn nhân mà không phải bận tâm quá nhiều chuyện. Nhờ đó vợ chồng gắn kết, tài chính ổn định, con cái sinh ra được chăm sóc tốt nhất…

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua