Chuyện tình nàng Giáng Hương: Người Việt tiên phong trong mắt người Việt

Chúng ta khát thay đổi nhưng luôn nghi ngại sự tiên phong mở đường từ nội lực tự thân. Chúng ta luôn mong nước ngoài đến giúp ta. Đã đến lúc tự làm mọi thứ để thế giới coi trọng ta! Musical Chuyện tình nàng Giáng Hương đáng để nhìn nhận như thế!

Chưa bao giờ cơn khát khao thay đổi; vươn lên của người Việt lại mạnh như lúc này. Cả thế giới đang chuyển mình trong cách mạng công nghệ 4.0 và chúng ta đang ở nguy cơ tụt hậu. Điều đáng báo động là nguy cơ này đến cả trong văn hóa, khoa học công nghệ và cả những vấn đề cơ bản như dân sinh, an toàn thực phẩm, môi trường sống…

Chúng ta khát khao cái mới hoặc chính xác hơn là khát khao “ai đó ngoài kia hãy giúp Việt Nam”. Một lối suy nghĩ khiến chúng ta mãi nghèo nàn; tụt hậu, trông chờ sự hỗ trợ; quan tâm của nước ngoài. Điều này không sai vì đó là nguồn lực quan trọng để phát triển; nhưng nó sẽ không còn đúng nếu chúng ta cứ mãi mong ước như vậy.

Thế giới đã bước hẳn sang giai đoạn phát triển vị kỷ; các quốc gia sẽ tự lo lấy thân mình nhiều hơn. Chỗ dựa vững chắc nhất trong thời điểm này chính là nỗ lực tự thân của chúng ta. Hãy thử nhìn điều này trong một số sự kiện nổi bật.

Tiên phong luôn đi cùng gạch đá

Nhiều người Việt có suy nghĩ thế này: mọi thứ người nước ngoài làm đều tốt; mọi thứ người Việt làm đều dở. Suy nghĩ đó mở đường cho các công ty lớn như Apple, Samsung…. thao túng thị trường và biến chúng ta thành tín đồ cuồng tín của họ. Thị trường nô dịch; thẩm mỹ nô dịch, xu hướng nô dịch – đó là điều chúng ta muốn trong thời hội nhập?

Một số ít những người Việt có tâm, có tài; có tiềm lực vẫn dám đầu tư cho cái mới, hoặc tiên phong làm một cái gì đó cho chính người Việt. Điều họ nhận được đầu tiên chính là sự dèm pha; chê bai, soi mói của cả công chúng lẫn những người đồng nghiệp. Dường như trời sinh ra con người Việt Nam chúng ta khó khăn trong việc nhìn nhận lẫn nhau; đoàn kết và cùng nhìn về một hướng. Chúng ta thích hạ bệ nhau; thích chia rẽ nói xấu nhau hơn là đoàn kết để hùng mạnh.

Những tấm gương

Phim Cô Ba Sài Gòn có thể coi là một tác phẩm điện ảnh có tâm; đầu tư công phu, để nhắc nhở người trẻ giá trị về chiếc áo dài cũng như những triết lý đời sống bản địa. Nhà làm phim không chọn sex, đồng tính… để câu khách. Họ chọn làm về những điều mà người Việt từng hãnh diện và dù có nỗ lực hết sức thì họ vẫn bị những “cao nhân” chê bai, ném đá, bắt lỗi.

Bphone của Việt Nam, dẫu đầy rẫy sự ngây thơ và hơi “nổ” trong phát ngôn – nhưng họ đã dám làm. Gạch đá ném vô Bphone ở góc độ nào đó cũng thể hiện sự “tự kỳ thị” của dân ta.

Trong văn hóa nghệ thuật, nhiều nhà chuyên môn, nhà báo cũng thường chỉ tôn sùng mọi thứ Tây làm, còn ta làm gì cũng dở, cũng không đáng nghe, không đáng ghi nhận. Musical Chuyện tình nàng Giáng Hương – musical thuần Việt đầu tiên – là ví dụ điển hình. Có vị học giả có tiếng không hề đi xem một suất diễn nào nhưng có thể viết bài chỉ trích như một người bề trên đang “xoa đầu” đàn em…

Làm những cái mới, những cái lớn ở Việt Nam rất khó. Khó vì chính đồng nghiệp; người trong giới sẽ ngáng chân cản đường. Lúc thông tin về vở diễn mới được công bố; nhiều người nghi ngại: Việt Nam làm sao làm nổi musical? Nhưng nếu không chịu làm gì đó; chỉ sợ hãi và bàn lùi, chúng ta không thể vươn ra thế giới.

Chuyện tình nàng Giáng Hương: Nhạc kịch thuần Việt đầu tiên

Trong lần công diễn mới của Chuyện tình nàng Giáng Hương; 8 đêm khán phòng nhà hát thành phố kín khán giả. Điều đáng chú ý là người nước ngoài đến xem rất đông; họ bày tỏ sự yêu thích bằng những tràng vỗ tay tán thưởng không dứt.

Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh; người tạo ra những chương trình truyền hình ăn khách nhất hiện nay chia sẻ: “Đây là một nỗ lực nghiêm túc trong nghề và đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương xứng đáng là người tiên phong”. Còn NSND Trần Hiếu, diễn viên Quý Bình, Lý Hương, Đoàn Thành Tài… đều khẳng định vở diễn quá hay, lộng lẫy đến mức bất ngờ.

Bước ra biển lớn

Còn nhớ trước đó, tờ báo lớn thứ hai của Ý – La Repubblica; đã viết về nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương của Việt Nam; trong một bài nghiên cứu dài 8 trang về nhạc kịch của các khu vực mới nổi trên thế giới. Qua đó mới thấy; nghệ thuật dường như sòng phẳng hơn trong xu hướng toàn cầu hóa và musical giống như một đại sứ văn hóa vậy. Người Ý để ý đến musical của ta vì ta có màu sắc riêng, có bản sắc riêng chứ không thuần túy bắt chước họ.

Thứ duy nhất ta có thể đối thoại bình đẳng với thế giới thời hội nhập này chính là văn hóa. Chuyện tình nàng Giáng Hương, là một nỗ lực trong cuộc đối thoại lịch sử đó. Sự kiên gan và quyết tâm làm cho hay; cho đúng của nhà sản xuất khiến những người từng ném đá vào họ phải e dè. Hi vọng những người tiên phong sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn với đủ tâm–tài–tuệ để thay đổi cục diện “Tây tốt – Ta dở”.

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua