Chuyện ở mái ấm OSEDC

Những ngày cuối năm, Tiếp Thị Gia Đình đến thăm và tặng quà cho các em nhỏ ở mái ấm OSEDC, nơi cưu mang những em khuyết tật còn nhiều thiệt thòi tại TP. HCM

Văn phòng 2 Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam (OSEDC) cũng là nơi Tiếp Thị Gia Đình gửi gắm em Vì Thị Lên, cô bé khuyết tật ham học quê Sơn La mà chúng tôi đón vào TP. HCM nuôi ăn học suốt 5 năm qua.

Không gian mái ấm OSEDC đã thu hẹp nhiều. Khoảnh đất làm sân khấu biểu diễn và sinh hoạt của các em ngày trước giờ là mặt bằng cho thuê để lấy kinh phí lo cho cuộc sống của các em. Chú Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc Văn phòng 2 OSEDC Việt Nam, người cha già của các em ở tuổi 72, đã già đi nhiều và yếu hơn.

NỖI LO CỦA OSEDC

mai am osedc hinh anh 01Các em trong đoàn văn nghệ khuyết tật OSEDC đón chúng tôi bằng những màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc mừng xuân sống động. Tiết mục độc tấu sáo ca khúc Xuân này con không về của em Quang Nhật, quê Quảng Ngãi, như tiếng lòng nhớ nhung của người con 3 năm chưa được về nhà. Giai điệu Điệp khúc mùa xuân dưới tiếng đàn T’rưng cao vút tựa như mơ ước nồng cháy, thiết tha về một mùa xuân yêu thương, đầy nguồn vui và hạnh phúc. Tiếng đàn đá, trống… dưới tay đàn điêu luyện của các em đưa ca khúc Âm vang đất nước như vang hơn, ngân xa hơn. Và dưới ngón tay teo tóp lướt trên đàn bầu, em Vì Thị Lên hát lên giai điệu Mẹ là bóng mát như lời cảm ơn Tiếp Thị Gia Đình mà theo em “đó là người mẹ thứ hai, sinh ra em lần nữa”.

mai am osedc hinh anh 03

Nhìn các em, người khiếm thị, người bại liệt… say sưa, thả hồn vào từng ca khúc, chúng tôi chạnh lòng. So với những năm trước, các em sinh sống, học tập, học nhạc ở mái ấm OSEDC ít hơn nhiều, chỉ còn 15 em.

Chú Nghĩa cho biết: “Ngày nào tôi cũng nhận được vài cuộc gọi từ khắp cả nước, mong muốn gửi con vào OSEDC. Tuy nhiên, tôi không dám nhận vì không thể cưu mang thêm các con nữa”.

Rồi chú chỉ ra khu đất của gia đình, bảo: “Mỗi tháng, tôi thu được 30 triệu tiền cho thuê mặt bằng nhưng chi phí ăn uống hàng tháng, trả lương cho nhân viên… cũng đã hết 25 triệu. Sức khỏe tôi yếu dần, bệnh tim khiến tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi chỉ mong tìm được người có thể tiếp nối công việc thiện nguyện này, để các con có nơi để sinh hoạt, học nghề, tự lo cuộc sống của mình”.

CÙNG TIẾP THỊ GIA ĐÌNH GIỮ MÁI NHÀ OSEDC

Trò chuyện với Tiếp Thị Gia Đình, cậu bé khiếm thị Quang Nhật, sinh năm 1996, thủ thỉ: “Em cố gắng học đàn organ và đi biểu diễn để dành tiền mua đàn. Khi có nghề, có cây đàn, em sẽ về quê, kiếm một công việc phù hợp để tự lập vì nhà em có 9 người con, anh em ai cũng nghèo… (cười)”.

May mắn hơn các bạn trong mái ấm OSEDC, em Vì Thị Lên khoe: “Em chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học rồi, biết nhiều chữ lắm, có thể viết văn tả cảnh rồi. Em chỉ mong có nhiều chương trình để tụi em biểu diễn để OSEDC có kinh phí sinh hoạt hàng ngày”.

mai am osedc hinh anh 02

Em Vì Thị Lên di chuyển bằng xe do Tiếp Thị Gia Đình tài trợ

Với mong muốn gìn giữ mái nhà cho các em khuyết tật, Tiếp Thị Gia Đình hy vọng bạn đọc khắp nơi giúp gìn giữ ước mơ cho các em thông qua những hành động sau:

♦ Giúp đỡ OSEDC tìm kiếm các công ty, đoàn thể… cần biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các buổi hội thảo, liên hoan…

♦ Giúp đỡ trực tiếp về vật chất (tiền bạc, các nhu yếu phẩm hàng ngày).

♦ Đến làm việc thiện nguyện tại OSEDC.

THÔNG TIN THÊM

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc có thể gửi về văn phòng Tiếp Thị Gia Đình, 258 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 8, Q. 3, TP. HCM hoặc trụ sở Văn phòng 2 Tổ chức hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam (OSEDC), 484/1A đường Hà Huy Giáp, KP.1, P. Thanh Lộc, Q. 12, TP. HCM. Điện thoại chú Nguyễn Văn Nghĩa: 098 793 9270.

Bài và ảnh: Xoa Nguyễn

Mục Câu chuyện&Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua