Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Trước khi sống xanh, hãy tập sống cân bằng

“Lối sống nào cũng có những bất cập của riêng nó. Tôi không nói việc chạy theo sống xanh là xấu, nhưng đừng quên điều cốt lõi là chúng ta cần phải sống cân bằng”, chuyên gia tâm lý chia sẻ

Sau hàng loạt tin tức về ô nhiễm không khí, nguồn nước; biến đổi khí hậu… đang đe dọa cuộc sống con người từng ngày; trào lưu sống xanh, bảo vệ môi trường đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Trao đổi với TTGĐ; chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm đã có những phân tích chuyên môn về trào lưu đang lan tỏa hiện nay. Đồng thời, chị cũng chia sẻ góc nhìn cá nhân về những người truyền cảm hứng sống xanh trong xã hội.


Sống cân bằng về thể lý lẫn tâm lý


Xin chào chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm. Theo chị, sống xanh liệu chỉ là một trào lưu nhất thời hiện nay không?

Sống xanh bản chất là một lối sống thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt. Lối sống nào cũng có bất cập của riêng nó. Tôi không nói việc chạy theo sống xanh là xấu; nhưng đừng quên điều cốt lõi là chúng ta cần phải sống cân bằng.

Sống cân bằng là gì? Đó là cuộc sống không có stress, không trầm cảm; không rời xa những mục tiêu về hạnh phúc, sự nghiệp, phát triển bản thân… Nhưng mọi sự cân bằng trong cuộc sống đều xuất phát từ sự cân bằng về thể lý lẫn tâm lý ở mỗi người. Khi đã cân bằng, bạn chọn lối sống nào cũng được; bạn xanh cỡ nào cũng tốt cả!

Để sống cân bằng có khó không?

Rất khó. Muốn đạt được độ hài hòa, cân bằng đòi hỏi sự cố gắng; ý thức cao độ. Một diễn viên xiếc đi thăng bằng trên dây cần rất nhiều sự tập luyện; nỗ lực và phải tập trung cao độ mỗi khi trình diễn. Sống cân bằng cũng như vậy; cũng cần tập luyện và nỗ lực mỗi ngày.

Con người chúng ta có hai phần rạch ròi là thân và tâm. Thân cần khỏe mạnh, không bệnh tật. Tâm cần thanh thản, không ưu tư phiền não. Nhưng bạn nhìn thử xung quanh và ngay cả chính bạn; có phải chúng ta ít nhiều cũng gặp vấn đề ở thân, tâm hoặc cả hai cùng lúc không.

Khi bên trong chúng ta không cân bằng; thì tất cả mặt khác của cuộc sống cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta dễ đau buồn; khó đưa ra quyết định, mất phương hướng.

Suy cho cùng mọi vấn đề trong cuộc sống; cốt lõi vẫn nằm ở chính bạn. Khi tâm và thân bạn cân bằng; mọi thứ trong cuộc sống này sẽ từ đó mà cân bằng theo.

Để cân bằng tâm và thân, chúng ta tập luyện thế nào?

Điều đầu tiên và dễ dàng nhất mà ít ai để ý đến, đó là hít thở. Chúng ta cần kiểm soát, ý thức hơi thở của bản thân. Hơi thở vừa nuôi dưỡng, vừa trị liệu. Chúng ta hít thở để cung cấp oxy, duy trì sự sống cho từng tế bào. Đồng thời hơi thở cũng xua tan căng thẳng dồn nén bên trong.

Bạn thử dành mỗi ngày 15 phút tập hít thở sâu. Làm được điều này, bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng; tâm trí luôn sáng suốt, minh mẫn. Thiền cũng là bài tập giúp cân bằng tâm và thân.

Nguyễn Thị Tâm

Ai cũng có giá trị của riêng mình trong xã hội


Gần đây nhiều người chạy theo trào lưu sống xanh đến mức “phát cuồng”. Quan điểm của chị về xu hướng này thế nào?

Sống xanh là tốt nhưng làm sao để đi theo lâu dài là cả một vấn đề khác. Việc sống xanh bỗng trở thành trào lưu; ai cũng “rần rần” vì nó thì e là cũng chỉ mang tính nhất thời.

Những người a dua theo người khác; thì sớm muộn gì họ cũng quay lại thói quen cũ. Đừng vội chạy theo điều gì khi bạn chưa hiểu hết về nó. Một khi đã hiểu tường tận, tự khắc bạn sẽ có quyết định cho lối sống của chính mình.

Những người đang đi đầu trào lưu sống xanh, tạo cảm hứng cho nhiều người khác; chị Nguyễn Thị Tâm nghĩ gì về nhóm người này?

Mỗi người đều có một sứ mạng cao cả riêng, không ai cao hơn ai. Điều mà họ làm giỏi nhất chính là sứ mạng của họ. Ví dụ một bà nội trợ ở nhà nuôi 7 đứa con ăn học thành tài; một người đứng đầu trào lưu sống xanh trong cộng đồng. Đâu thể nào nói sứ mạng của người đứng đầu trào lưu kia là cao cả hơn bà nội trợ.

Có thể nhiều người không cảm xúc gì với việc môi trường ô nhiễm; nhưng có người lại đau đáu trong lòng khi rác thải tràn lan khắp nơi. Mỗi người sẽ có sự quan tâm nhất định về lĩnh vực nào đó. Chúng ta cũng đừng “thần thánh hóa” một ai đó rồi tôn sùng họ; xem việc họ làm là phi thường, cao cả; còn việc của mình làm thì bình thường, vô nghĩa.

Mỗi người có phần vai của mình. Những người có trí tuệ lớn sẽ gánh vác chuyện lớn lao. Còn những người đơn sơ giản dị, nhận thức bình thường; họ sẽ gánh vác sứ mạng nhỏ. Ai cũng có giá trị của riêng mình trong xã hội này.

Những người đi truyền cảm hứng sống xanh cho cộng đồng; hay bất kỳ người nào đó làm việc vì mục tiêu xã hội đang bị cho làm chuyện bao đồng. Họ có đáng phải nghe những đánh giá này không?

Chắn chắn là không và cần bỏ ngoài tai những lời như vậy! Không cần phải nghe ai hết và mình phải biết rõ là tại sao mình làm chuyện đó; tại sao mình phải gánh vác. Mỗi người có một tiếng gọi từ con tim. Nó cứ giục giã không cho mình yên. Nó thôi thúc bạn mỗi ngày. Và điều hạnh phúc nhất là được sống với đúng sứ mạng của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm.

Thông tin thêm

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm là thạc sĩ tâm lý trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Chị là chuyên gia tư vấn tâm lý về các vấn đề trị liệu cá nhân, trị liệu gia đình.

Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Tâm còn là giám đốc công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt, được thành lập vào năm 2006.

Tham khảo các khóa học tại website: https://www.honviet.com.vn/

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua