Chuyện cô giáo quỳ gối là tiếng chuông báo động

Trẻ con nhìn cách người lớn hành xử để đúc tỉa những bài học cho mình. Sự tàn bạo của người lớn như vụ "cô giáo quỳ gối" sẽ làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ và tạo nên những sai lệch hành vi cho con trẻ

Những ngày vừa qua; câu chuyện phụ huynh học sinh buộc cô giáo quỳ gối xin lỗi tại một trường học khiến mạng xã hội và báo chí sục sôi. Từ góc nhìn đúng sai, nhưng càng phân tích, mổ xẻ; chúng ta càng nhìn thấy những mặt trái mà câu chuyện này đại diện. Việc một cô giáo phải quỳ gối và bị sỉ nhục tập thể cho thấy một thực trạng nhức nhối của xã hội: mất niềm tin vào những nền tảng tinh thần cơ bản.

Sự phá hủy sau lớp bề mặt từ chuyện cô giáo quỳ gối

Thế giới thời mạng xã hội lên ngôi có một mặt trái: người ta đang đối phó lẫn nhau; thích bạo hành tinh thần kẻ khác; thích chơi trò sỉ nhục tập thể trên mạng; thấy vui khi tham gia công kích tập thể ai đó… Ngày càng nhiều người mang tư duy bạo lực và thô lỗ vào mọi hành xử. Điều này phản ảnh sự bất lực của lý lẽ và lương tri bản thân. Vụ việc cô giáo quỳ gối vừa qua phản ảnh rất rõ điều đó.

Trường học được xem là nơi khởi nguồn của lễ nghĩa và nền móng quốc gia. Ở đó giờ đây phát sinh đủ thứ bê bối từ lạm dụng trẻ em; bạo lực học đường, bệnh thành tích, chất lượng học suy giảm; chương trình học lỗi thời tụt hậu; những đứa trẻ bị nhào nặn đến mức thui chột chính kiến và tư duy phản biện…

Và gần nhất là câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi, vì cô giáo dám… bắt học sinh quỳ gối. Điều đáng sợ ở đây là cách phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối rất phản cảm; nó càng đáng sợ hơn khi mọi người xung quanh cho phép sự việc đó xảy ra. Chúng ta đầu hàng cái xấu dễ quá!

Chúng ta im lặng và để cái xấu xảy ra

Chúng ta chờ người khác lên tiếng giùm. Có ai sống giùm bạn không, có ai khẳng định bạn sẽ không phải là nạn nhân tiếp theo?

Những đứa trẻ non nớt khi chứng kiến câu chuyện này sẽ học được bài học sâu sắc về cái gọi là sự tàn bạo của kẻ mạnh hơn. Chúng sẽ cho rằng hễ yếu thế thì sẽ bị vào vai của kẻ bị chửi bới và quỳ gối. Điều đó quá nguy hiểm. Làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ là tội lỗi của người lớn.

Thầy hiệu trưởng tại sao để tình trạng phản giáo dục đó diễn ra tại nơi ông được trao quyền bảo vệ và ươm mầm cho tâm hồn những đứa trẻ? Các giáo viên khác đã làm gì? Có ai đứng ra ngăn cản sự việc khi đồng nghiệp của họ đang quỳ gối? Hay họ cũng sợ hãi cái xấu, sợ dính líu và sợ vạ lây? Tình người, tình đồng nghiệp trong xã hội chúng ta đã đến mức này rồi sao?

co giao quy goi hinh anh 1

Một góc nhìn khác về giáo dục – học làm cha mẹ

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ một góc nhìn thú vị về sự bất lực của bố mẹ khi dạy dỗ con cái. Anh cho rằng trước khi chúng ta có cái nhìn khắt khe với thầy cô; thì cũng nên hiểu trẻ con thời nay dạy không hề dễ. Cuộc sống khấm khá lên không đồng hành với việc những đứa trẻ có được sự căn bản từ trong tổ ấm mà chúng được sinh ra.

Không ít những đứa trẻ ra đời khi cha mẹ chúng không biết phương pháp giáo dục nào để con cái có thể phát triển bình thường. Thế nên, thuật ngữ “học làm cha mẹ” đã trở thành câu nói cửa miệng của thời nay. Tuy nhiên, hiện thực là xã hội chưa thấy nhiều “học trò xuất sắc” từ các khóa “học làm cha mẹ”.

Đặc biệt, những cha mẹ thuộc thế hệ mới giàu; tạm thoát đồng ruộng nhưng vẫn còn ít nhiều văn hóa nông thôn; xem con mình là trời; nuông chiều con quá đáng ngày càng đông. Họ chiều con hư hỏng, vô lễ, ngỗ ngược; rồi thả cho nhà trường gánh hết. Bố mẹ lo lao vào việc kiếm tiền và đủ các việc trên đời để tìm vui. Nếu chẳng may có chuyện gì từ con gây ra thì đến nhà thầy cô đưa cái phong bì tiền. Họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ được tiền giải quyết.

Đồng tiền khiến người ta đòi hỏi một dịch vụ giáo dục tốt. Điều này cũng là bình thường đối với thị trường. Nhưng nhân cách con người thì không đồng nghĩa với tiền; khi mà các phụ huynh còn chưa sòng phẳng với con cái mình; và với việc giáo dục con cái mình. Họ cần dạy con trước khi đưa nó đến trường; và bố mẹ là người dạy chính; chứ không phải các thầy cô.

NỖI NIỀM ÔNG GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Phụ huynh không thể biến con mình thành những ông trời con ở nhà và đến trường cũng bắt thầy cô phải đội những ông trời ấy lên thiên đình. Chúng ta cần dạy con trở thành những người có nhu cầu đóng góp cho xã hội; chứ không phải tạo nên một thế hệ coi mình là nhất; nhu cầu của mình là quan trọng nhất. Bởi lẽ, ngay khi bước vào đời, lũ trẻ được cưng chiều sẽ nhận ra một thực tế phũ phàng: Không ai trên đời này quan tâm đến cảm giác hay nhu cầu của chúng như ông bà; cha mẹ chúng ở nhà!

Đấy chưa nói, phụ huynh nào cũng cầm lăm lăm cái điện thoại; kiểu “tao tung hết lên mạng cho mày mất việc; tao cho cả thế giới này vào rỉa rói cấu cắn mày cho mày biết mặt”. Thế đấy, vừa đội các ông trời ấy lại vừa bị cái gọng kìm vô hình của thời công nghệ siết chặt.

Cơm áo không đùa với giáo viên

Khái niệm “nhà giáo” ngày nay còn cao quý trong xã hội không? Hãy nghe cô bạn giáo viên của tôi. Cô có lần tâm sự, đi dạy bây giờ không chỉ phải yêu chiều học sinh, mà còn cả nhịn nhục nữa. Đó là một tâm sự chua chát của nghề giáo! Thầy cô giáo ngày hôm nay đôi khi không chỉ phải dạy. Có những lúc sức chịu đựng quá giới hạn; không kiềm chế được. Đồng lương thì còm cõi; cuộc sống khó khăn; thầy cô dễ nổi đóa với học trò hư cũng dễ hiểu; vì chính họ cũng quá bức bối với đời sống riêng.

Suy cho cùng, việc quan tâm đến con; chia sẻ với con, việc phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục con… là việc phụ huynh nên làm. Nếu không, khi có chuyện xảy ra thì đổ cho trường; cho thầy cô, là không công bằng.

Việc chúng ta đòi hỏi thầy cô phải mẫu mực không có gì sai; thậm chí là cần thiết. Nhưng khi có chuyện, để thứ văn hóa đầu đường xó chợ xử lý các thầy cô như vụ bắt cô giáo quỳ gối là điều đáng phỉ báng.

Trong mọi tình huống, cùng ngồi lại; yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu luôn là điều nên làm. Điều đó có thể tháo gỡ mọi nan đề.

Bài: THIÊN CA

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua