Chia tài sản sau khi ly hôn: Khi nào nên đua khi nào nên bỏ

Khi một ly cà-phê Trung Nguyên... chia đôi, vợ chồng tan đàn xẻ nghé, người trong cuộc sẽ cảm nhận vị đắng hay ngọt nhiều hơn?

Những ngày gần đây, dư luận nổi sóng quanh vụ ly hôn giữa “ông vua cà-phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ Lê Hoàng Diệp Thảo. Cuộc ly hôn xảy ra ở độ tuổi mà người phụ nữ không còn trẻ nữa và sự tranh chấp quyết liệt về khối tài sản khổng lồ khoảng 2.000 tỷ đồng của họ đã khiến nhiều phụ nữ trông người lại ngẫm đến ta.

Vợ chồng tranh giành quyền lực

Dư luận hầu hết là đàn ông, nghiêng về bảo vệ ông Vũ nhiều hơn. Có người “mong sao ông Vũ chèo lái Trung Nguyên tương lai như Pep Guardiola đã chèo lái Baca”, có người cảm thông: “Một tay gây dựng cơ đồ/Mà nay chợt… đắng, thế cờ nhân gian”. Chỉ có số ít ủng hộ bà Thảo: “Dựa trên cơ sở nào bạn nói công ông Vũ lớn hơn công bà Thảo? Chỉ vì bạn thấy ông ấy đại diện cho công ty ư?”.

Hậu trường “hạt muối cắn đôi”

Theo những thông tin từ trước đến nay, lúc đầu ông Vũ khởi nghiệp rất khó khăn. Từ khi cưới bà Thảo, một phụ nữ thông minh, khéo léo và kín tiếng, trưởng thành trong gia đình kinh doanh vàng nổi tiếng cả vùng, ông Vũ đã liên tiếp thành công. Ai cũng công nhận tài năng, công sức của ông Vũ nhưng cũng không nên phủ nhận công sức của bà Thảo trong việc xây dựng nên khối tàn sản khổng lồ này.

Ông bà ta cũng cho rằng “của chồng công vợ”, hay thương nhau “hạt muối cắn đôi” để “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Phía sau thành công của tỷ phú Bill Gates là người vợ giản dị Melinda. Phía sau vị tỷ phú trẻ nhất thế giới, người sáng lập ra mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg cũng là người vợ Priscilla Chan mà anh đã chẳng ngại lặp lại câu danh ngôn: “Sau lưng người đàn ông đích thực là người đàn bà vĩ đại”. Có lẽ vì vậy, người ta càng tin rằng vợ của ông Vũ ắt phải giỏi giang, bản lĩnh mới giúp chồng yên tâm xông pha, giành chiến thắng trên thương trường và gầy dựng một Trung Nguyên nổi tiếng.

Biết bao nhiêu người vợ đã chấp nhận làm cái nền cho hình ảnh của chồng mình được thêu hoa dệt gấm như thế. Thấy cảnh của đôi vợ chồng nổi tiếng này, tôi ngẫm đến cảnh mình. Chồng tôi muốn gầy dựng công ty. Anh không có vốn nên bao nhiêu tiền lương, tiết kiệm của tôi đều dồn vào lo cho gia đình, trả lương cho nhân viên, mua sắm thiết bị để tạo lập một công ty nhỏ xíu, rồi mở rộng công ty. Gần 5 năm thành lập, tôi đến công ty cũng chỉ 3 lần. Có những nhân viên chưa từng biết mặt tôi nhưng ai cũng biết chồng tôi vì anh trực tiếp làm và là đại diện pháp luật của công ty. Người ta khen chồng tôi giỏi giang song không ai biết, vì sao một người đàn ông có phần nhút nhát, từ tay trắng nay có được công ty này. Chỉ có tôi và chồng hiểu, dù cha mẹ ở cùng chung tôi hàng ngày cũng không thấu nổi.

Phụ nữ ngộ lắm, khi yêu là rất khoái hy sinh. Cô ấy sẽ làm việc gấp 5–10 lần sức lực cho tất thảy những gì mình có mà không nghĩ đến việc mình nhận được gì, mất gì. Tôi đã từng làm ngày đêm, quên phắt bản thân và cũng không quan tâm trong giấy phép đăng ký kinh doanh ở công ty, mình đứng ở vị trí nào. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc lỡ sau này vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, công ty đó sẽ chia chác ra sao.

Nhiều người bảo tôi: “Không tin được đàn ông. Khi có tiền rồi, họ sẽ khác. Phụ nữ phải biết thủ thân”. Song tâm thế của người phụ nữ yêu chồng lúc nào cũng như uống nước tăng lực vậy. Cô ấy chỉ biết lao đi, vượt qua tuổi tác, rủi ro, lo nghĩ xa xôi để vun đắp cho thành công của chồng. Chỉ đến khi có chuyện, cô ấy mới dằn vặt: “Phụ nữ 10 phần hy sinh, đàn ông 0 phần cảm kích”.

Vậy bạn có quyền đòi hỏi không?

Có. Trong việc chia tài sản sau khi ly hôn, việc đua đến cùng hay bỏ giữa chừng phụ thuộc vào bạn, bởi chỉ bạn mới hiểu vì sao mình phải làm thế.

Tiến sĩ tâm lý Tess Wilkinson-Ryan và Deborah Small, Đại học Pennsylvania, Mỹ, đã thấy rằng khi ly hôn, phụ nữ thường tập trung vào tình cảm với chồng cũ còn nam giới tập trung vào những gì thiết thực hơn. Thế nên, phụ nữ sẵn sàng từ bỏ lợi ích tiền tệ hơn so với nam giới. Thêm vào đó, nghiên cứu cho thấy, do phụ nữ có nhiều nỗi sợ rủi ro, họ có thể chấp nhận chịu thiệt thòi khi đàm phán với chồng để tránh các rủi ro khi phải có sự can thiệp của một thẩm phán. Đó là tâm lý chung nhưng không phải trường hợp nào phụ nữ cũng nên chịu thiệt thòi như thế!

Bạn cứ tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn đến cùng nếu bạn cảm thấy sau tất cả những hy sinh, vất vả của mình, cái bạn nhận lại không xứng đáng. Bạn cứ đua nếu cảm thấy như thế mới bõ hận, bõ tức! Dĩ nhiên, bạn phải còn sức (cảm thấy hào hứng với cuộc đua) và còn lực (có tiền để theo đuổi cuộc đua).

Bạn cứ đua nếu cảm thấy nếu không có tiền và quyền lực, bạn và con cái rất khó đứng dậy! Nghiên cứu cho thấy sau khi ly hôn, phụ nữ thường gặp khó khăn tài chính hơn so với nam giới vì phụ nữ phải có nhiều trách nhiệm với con cái. Do đó, nếu khối tài sản kia có công sức của bạn, chẳng có lý do gì để bạn từ bỏ cả.

Nhưng hãy dừng lại nếu bạn thấy:

Bạn quá mệt mỏi trong việc chia tài sản sau khi ly hôn, những gì dính dáng đến người chồng đều là ác mộng! Bạn muốn tự do ngay và luôn! Nhiều bạn đã ly hôn nói rằng: “Nếu bạn còn cò cưa nghĩa là chưa bị dồn đến mức chẳng cần gì nữa, ông chồng đó vẫn còn… xài được. Chỉ khi bạn thấy muốn chấm dứt mọi thứ càng nhanh càng tốt để giải phóng mình, đàn ông đó mới đáng để bạn bỏ vào… thùng rác”.

Bạn có tài, muốn đứng dậy thật nhanh để xây dựng cuộc sống mới, không muốn mất thời gian vào việc kiện tụng, làm tổn thương con cái. Bạn cũng nên dừng lại nếu chọn đáp án “vui vẻ” ở câu hỏi: “Tiền quan trọng hay sống vui vẻ quan trọng?”. Trong cuộc sống, có những thứ quan trọng hơn tiền bạc hay quyền lực, đó là sức khỏe và sự hạnh phúc. Nếu chấm dứt mọi chuyện thật nhanh đem lại cho bạn sự khỏe khoắn và hạnh phúc thì rồi sớm hay muộn, bạn cũng có tất cả mà thôi.

Quý mến, bênh vực ai trong cuộc đua giành tài sản này là quyền mỗi người nhưng những chuyện nội tình, quả thật chỉ có đèn nhà ai nấy rạng!

Bài: Xoa Nguyễn

Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua